BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
58-TC/TCT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1990
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 58-TC/TCT NGÀY 1-12-1990 HƯỚNG DẪN THỰC
HIỆN VIỆC KÊ KHAI ĐĂNG KÝ VỀ THUẾ
Thi hành Điều 10 của Luật thuế
doanh thu, Điều 10 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, tại Thông tư số 45-TC/TCT
và Thông tư số 46-TC/TCT ban hành ngày 4 tháng 10 năm 1990, Bộ Tài chính đã có
hướng dẫn cụ thể việc kê khai đăng ký về thuế. Nhưng cho đến nay còn nhiều địa
phương chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ theo đúng các Luật thuế đã quy
định.
Nhằm đẩy mạnh chống thất thu về
số hộ, số cơ sở kinh doanh, tạo điều kiện thi hành đúng các Luật thuế đối với tất
cả các thành phần kinh tế ngay từ đầu năm 1991, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa
phương tổ chức một đợt công tác tập trung đẩy mạnh kê khai đăng ký về thuế theo
đúng Điều 10 của Luật thuế doanh thu, Điều 10 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
và theo Quyết định số 268-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
I- MỤC ĐÍCH
YÊU CẦU
Việc kê khai đăng ký về thuế nhằm
mục đích:
1. Các tổ chức, cá nhân kinh
doanh các ngành nghề, thuộc các thành phần kinh tế phải thực hiện thủ tục đăng
ký về thuế thủ tục quan trọng đầu tiên trong việc chấp hành Luật thuế của Nhà
nước. Cơ quan thuế, cán bộ thuế có trách nhiệm hướng dẫn cho các đối tượng nộp
thuế đã ra kinh doanh từ lâu hay mới ra kinh doanh đều phải kê khai đang ký về
thuế theo Luật định.
2. Kê khai đăng ký về thuế là
khâu đầu tiên trong công tác quản lý thu thuế, tạo điều kiện cho cơ quan thuế,
cán bộ thuế nắm được tất cả các cơ sở kinh doanh thuộc các ngành nghề, các
thành phần kinh tế hiện có trên địa bàn; nắm được những yếu tố cơ bản của từng
cơ sở kinh doanh, như: địa điểm kinh doanh, mặt hàng, vốn, tài sản, lao động,
phương thức và tổ chức kinh doanh... để có căn cứ lập sổ bộ thuế kiểm tra, quản
lý thu thuế đúng chính sách, sát thực tế.
3. Kê khai đăng ký về thuế lần
này phải phấn đấu chống thất thu về hộ tới mức cao nhất bằng cách đưa hết các hộ
kinh doanh núp bóng ra đăng ký nộp thuế, các hộ kinh doanh do phường xã, các hộ
trốn lậu, các hộ kinh doanh lớn nhỏ v.v... phấn đấu tăng thêm 10 - 30% số hộ nộp
thuế.
II- NỘI DUNG
CÔNG TÁC KÊ KHAI ĐĂNG KÝ VỀ THUẾ
Nội dung kê khai đăng ký về thuế
đã hướng dẫn cụ thể tại điểm C - I Thông tư số 45-TC/TCT và điểm A - 1 Thông tư
số 46-TC/TCT ngày 4 tháng 10 năm 1990 của Bộ Tài chính. Tổng cục thuế đã phối hợp
với nhà in tài chính in các "tờ khai đăng ký về thuế" và đã gửi cho
các địa phương. Bộ Tài chính hướng dẫn rõ thêm hai điểm sau đây:
1. Lập "Sổ danh bạ các cơ sở
kinh doanh"
"Sổ danh bạ các cơ sở kinh
doanh" được lập riêng theo từng thành phần kinh tế quốc doanh, hợp tác xã,
tổ sản xuất, tổ chức làm kinh tế của cơ quan hành chính, đoàn thể chính trị - xã
hội, lực lượng vũ trang, xí nghiệp tư nhân, hộ cá thể, kinh tế gia đình.
Những nơi có nhiều cơ sở kinh
doanh thì lập riêng cho mỗi thành phần kinh tế một "Sổ danh bạ các cơ sở
kinh doanh". Thí dụ "Sổ danh bạ các cơ sở kinh tế quốc doanh";
"Sổ danh bạ các cơ sở kinh tế hợp tác xã"; "Sổ danh bạ các cơ sở
hộ cá thể" v.v... những nơi có ít cơ sở kinh doanh thì có thể lập chung một
"Sổ danh bạ các cơ sở kinh doanh", trong đó chia ra từng mục cho từng
thành phần kinh tế: quốc doanh, hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ chức làm kinh tế của
cơ quan hành chính, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, xí nghiệp
tư nhân, hộ cá thể, kinh tế gia đình.
Sổ danh bạ các cơ sở kinh doanh
là nhằm ghi sổ việc kê khai đăng ký về thuế, không phải là sổ bộ thuế.
Cách ghi sổ danh bạ như sau:
Trong sổ có các cột, trong đó cột
đầu tiên là "Số đăng ký thuế" để ghi các mã số của từng cơ sở kinh
doanh (xem hướng dẫn về mã số ở phần dưới), tiếp theo là các cột ghi theo thứ tự
các nội dung ghi ở tờ khai đăng ký về thuế.
Mỗi cơ sở kinh doanh được ghi
thành một dòng; dưới mỗi cơ sở kinh doanh để cách ra 3 - 5 dòng để sau này ghi
bổ sung những điểm cần thiết cho từng cơ sở kinh doanh.
Hết mỗi mục từng ngành kinh tế cần
để một số trang để ghi tiếp những cơ sở kinh doanh mới ra hoạt động thuộc từng
thành phần kinh tế và từng ngành kinh doanh.
2. Ghi mã số từng cơ sở kinh
doanh:
Việc ghi mã số (ký hiệu bằng số
riêng cho từng cơ sở kinh doanh) là nhằm phục vụ cho việc sử dụng máy vi tính
vào trong công tác quản lý thu thuế trong tương lai. Bộ Tài chính tạm thời hướng
dẫn việc ghi mã số như sau:
a) Dùng các chữ cái (viết chữ
in) để ghi ký hiệu cho từng thành phần kinh tế:
A- Là kinh tế quốc doanh
B- Là hợp tác xã
C- Là tổ sản xuất, tổ hợp tác
D- Là tổ chức làm kinh tế của cơ
quan hành chính, đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang.
E- là kinh tế tư nhân
G- Là hộ cá thể
H- Là kinh tế gia đình.
b) Dùng các chữ số la mã để ghi
ký hiệu cho từng ngành kinh doanh, theo thứ tự đã ghi trong biểu thuế doanh
thu. Cụ thể là:
I- Là ngành sản xuất
II- Là ngành xây dựng
III- Là ngành vận tải
IV- Là ngành thương nghiệp
V- Là ngành ăn uống
VI- Là ngành dịch vụ.
c) Các số tiếp theo ghi chữ số
thường theo thứ tự từng cơ sở đến nộp "tờ khai đăng ký về thuế".
Như vậy, mỗi khi nhận "tờ
khai đang ký về thuế" của cơ sở nào thì cán bộ thuế phải ghi ngay mã số
vào góc phía trên bên phải của tờ khai đó (ở chỗ có in chữ "sổ đăng ký thuế...")
để làm căn cứ ghi vào cột mã số trong "sổ danh bạ các cơ sở kinh
doanh". Đồng thời, bản lưu "tờ khai đăng ký về thuế" phải được sắp
xếp theo thứ tự của mã số trong từng tập hồ sơ kèm theo "sổ danh bạ các cơ
sở kinh doanh", để thuận tiện cho việc tra cứu, khi cần thiết.
Thí dụ về cách ghi mã số như
sau:
- Nhà máy công cụ số 1 là người
đầu tiên đến nộp tờ khai đăng ký về thuế, thì có mã số là A - I - 1.
- Hợp tác xã xây dựng 8 - 3 là
người thứ 14 đến nộp tờ khai đăng ký về thuế, thì có mã số là B - II- 14.
- Chủ hộ Nguyễn Văn Y kinh doanh
bán phở, là người thứ 40 đến nộp tờ khai đăng ký về thuế, thì có mã số: G - V -
40.
III- KẾ HOẠCH
VÀ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỢT CÔNG TÁC TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH KÊ KHAI ĐĂNG KÝ
VỀ THUẾ
1. Về chỉ đạo, tổ chức lực lượng
và chuẩn bị nội dung thực hiện:
Kê khai đăng ký về thuế là một
trong những nội dung quan trọng đầu tiên trong việc thi hành luật thuế, phải đặt
dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, có sự phối hợp
đồng bộ của các ngành có liên quan như: Viện Kiểm sát, công an, quản lý thị trường,
ngân hàng, các ngành kinh tế - kỹ thuật; ngành chủ quản của cơ sở kinh doanh,
các cơ quan tuyên truyền ở địa phương cùng với cơ quan thuế thực hiện.
Về việc này, Cục thuế tỉnh,
thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (đồng thời chỉ đạo các Chi cục thuế)
phải làm ngay các công việc chính sau đây:
a) Làm tờ trình Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố, đặc khu, đề nghị:
- Ra Quyết định của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu về việc mở một đợt công tác tập trung đẩy
mạnh kê khai đăng ký về thuế đối với tất cả các cơ sở kinh doanh hiện có ở địa
phương (bao gồm tất cả các cơ sở kinh doanh mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh
tế, không phân biệt là mới ra kinh doanh hay đã kinh doanh từ lâu).
- Có quyết định thành lập ban chỉ
đạo công tác thu thuế (theo Điều 8 Nghị định số 281-HĐBT ngày 7-8-1990 của Hội
đồng Bộ trưởng) để chỉ đạo ngay công tác kê khai đăng ký về thuế. Ban chỉ đạo
do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách phân phối lưu thông làm trưởng
ban, Cục trưởng Cục thuế làm uỷ viên thường trực, có các uỷ viên là: tài chính,
quản lý thị trường, công an, Viện Kiểm sát, các ngành khác ở địa phương.
- Căn cứ vào hướng dẫn tại điểm
H trong Thông tư số 45-TC/TCT ngày 4 tháng 10 năm 1990 của Bộ Tài chính, Cục
thuế dự thảo văn bản trình Uỷ ban nhân dân ra thông báo cho các cơ sở kinh
doanh biết địa điểm, thời hạn kê khai đăng ký về thuế (nói rõ cơ sở nào đến kê
khai đăng ký ở Cục thuế, cơ sở nào đến kê khai đăng ký ở Chi Cục thuế).
b) Kèm theo tờ trình Uỷ ban nhân
dân, cần có bản kế hoạch triển khai cụ thể nói rõ nội dung từng bước công tác,
phân công bố trí lực lượng lấy cán bộ thuế là chủ lực, và nội dung tuyên truyền,
giải thích hướng dẫn những công việc cụ thể của đợt kê khai đăng ký về thuế. Từng
nội dung công việc cần biên soạn thành tài liệu nhỏ bao gồm cả các biện pháp xử
lý nếu không thực hiện đúng luật.
c) Trong nội bộ từng cơ quan thuế
(Cục thuế, Chi Cục thuế) chuẩn bị ngay những việc sau đây:
- Dự tính số cơ sở kinh doanh ở
từng địa phương để chuẩn bị tờ khai đăng ký về thuế bán cho các cơ sở kinh
doanh (mỗi cơ sở ít nhất là 2 bản). Địa phương nào chưa in kịp có thể đặt mua tại
nhà in Bộ Tài chính.
- Tổ chức một bộ phận thường trực
công tác đăng ký kê khai về thuế để:
+ Bán tờ khai và hướng dẫn cơ sở
kinh doanh kê khai đăng ký nộp thuế: từng cơ sở kinh doanh đến cơ quan thuế mua
tờ khai về tự kê khai theo các chỉ tiêu đã ghi nằm trong tờ khai và đến nộp cho
cơ quan thuế theo thời gian đã thông báo tại địa phương.
+ Thu nhận tờ khai, ghi mã số,
kiểm tra tờ khai và ghi sổ danh bạ các cơ sở kinh doanh, cất giữ bản lưu các tờ
khai. Làm báo cáo kết quả thực hiện từng tuần kỳ với lãnh đạo đơn vị và với cấp
trên.
Sổ danh bạ các cơ sở kinh doanh
phải đóng bìa cứng, giấy tốt, viết chữ đẹp rõ ràng, bằng mực không phai để lưu
giữ sử dụng lâu dài.
- Bộ phận thường trực kê khai
đăng ký về thuế phụ trách cả việc xét cấp giấy phép kinh doanh cho các đối tượng
theo Quyết định số 268-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn
số 32-CT/CTN của Bộ Tài chính. Bộ phận này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với
các ngành có liên quan đến việc xét cấp giấy phép kinh doanh cho các đối tượng
theo quy định tại các Nghị định số 27, 28, 29-HĐBT ngày 9 tháng 3 năm 1988, Quyết
định số 193-HĐBT, ngày 23 tháng 12 năm 1988 và Chỉ thị số 131-CT, ngày 3 tháng
5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị các cơ quan này chỉ cấp giấy phép
kinh doanh cho những cơ sở đã đăng ký về thuế và chỉ sau khi đăng ký về thuế mới
được mở tài khoản ở Ngân hàng.
2. kế hoạch tổ chức triển khai
thực hiện đợt tập trung đẩy mạnh công tác kê khai đăng ký về thuế.
Đợt công tác này tiến hành khẩn
trương trong tháng 12 năm 1990 và hoàn thành xong trước ngày 31 tháng 12 năm
1990, gồm các bước công việc sau đây:
a) Chậm nhất là đầu tháng 12 năm
1990 các địa phương làm xong các công tác chuẩn bị như đã ghi ở điểm 1 mục III
nêu trên.
b) Ngay từ đầu tháng 12 năm 1990
triển khai ngay việc kê khai đăng ký về thuế ở các địa phương theo nội dung đã
hướng dẫn. Cần lưu ý là những cơ sở đã đăng ký về thuế trước ngày 1 tháng 12
năm 1990 theo đúng mẫu tờ khai in sẵn, cũng phải được kiểm tra lại, bảo đảm việc
kê khai đúng quy định;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
hướng dẫn, động viên cổ vũ cho đợt công tác này; đồng thời có biện pháp ngăn chặn
những hành vi vi phạm.
Cơ quan thuế phối hợp với chính
quyền phường xã và các ngành chủ quản để hướng dẫn, đôn đốc nộp tờ khai đúng hạn.
Khi thu tờ khai, cán bộ thuế
chuyên quản cơ sở kinh doanh nào có trách nhiệm kiểm tra tờ khai của cơ sở ấy
và trình lãnh đạo cơ quan thuế cùng một số ngành chủ quản duyệt tờ khai trước
khi ghi vào sổ danh bạ.
Tổng hợp phân loại các cơ sở
kinh doanh để sắp xếp việc quản lý và xử lý sau đăng ký nộp thuế, định kỳ làm
báo cáo kết quả về đợt công tác này với cấp trên.
c) Đến ngày 31 tháng 12 năm
1990, những cơ sở kinh doanh nào chưa kê khai đăng ký về thuế đều phải coi là
kinh doanh trốn lậu thuế, và bị xử phạt theo quy định của Luật thuế.
Để thực hiện đợt công tác đạt kết
quả, đề nghị Uỷ ban nhân dân chỉ đạo các ngành công an, Viện Kiểm sát, quản lý
thị trường, phối hợp với lực lượng thuế kiểm tra thường xuyên ngay từ ngày 1
tháng 12 năm 1990 trở đi, theo phương pháp kiểm tra cuốn chiếu từng địa bàn hoặc
tổ chức kiểm tra chéo giữa các địa bàn để bảo đảm việc chấp hành luật được
nghiêm túc.
3. Kết thúc đợt công tác, từng địa
phương (tỉnh, huyện) phải tổng kết rút kinh nghiệm từ việc chỉ đạo đến việc tổ
chức triển khai thực hiện để đưa việc kê khai đăng ký về thuế đi vào nề nếp thường
xuyên. Tổ chức việc bổ sung kê khai đăng ký về thuế thành công việc thường
xuyên của cơ quan thuế.
- Chuyển nội dung công tác quản
lý thu thuế của cán bộ thuế từ chỗ chỉ xuống cơ sở "thăm hỏi qua loa chiếu
lệ" song nội dung thực sự đi vào kiểm tra sổ sách kế toán, kết quả thực tế
kinh doanh, đối chiếu với tờ khai đăng ký nộp thuế để phát hiện những sai sót,
kịp thời hướng dẫn cơ sở kinh doanh chấp hành đúng Luật thuế, bảo đảm thực sự đổi
mới về chất trong công tác quản lý thu thuế ngành thuế phải coi đây là một công
tác trọng tâm, rất cơ bản, rất quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản
lý thu thuế và thực hiện nghiêm túc Luật thuế mới. Do đó phải tập trung sức thực
hiện ngày; từng tuần kỳ báo cáo về Tổng cục thuế để tổng hợp báo cáo Bộ Tài
chính và Hội đồng Bộ trưởng theo dõi chỉ đạo.
Quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc cần báo cáo kịp thời về Tổng cục thuế để hướng dẫn giải quyết.