Thông tư 4864-BNT/HQ năm 1958 về việc cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng do Bộ Ngoại thương ban hành

Số hiệu 4864-BNT/HQ
Ngày ban hành 08/10/1958
Ngày có hiệu lực 01/11/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Phan Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4864-BNT/HQ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP XUẤT HÀNG, NHẬP HÀNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG

Kính gửi:

- Ô. Giám đốc các Tổng công ty xuất nhập khẩu
- Ô. Chủ nhiệm các Công ty xuất nhập khẩu biên giới
- Ô. Cục trưởng cục Giao nhận Mậu dịch đối ngoại
- Sở Hải quan Trung ương

 

Để Bộ có thể theo dõi sát việc thi hành các hợp đồng ký kết với nước ngoài, quản lý chặt chẽ kế hoạch xuất nhập, và để đưa dần công tác ngoại thương đi vào nề nếp, Bộ quy định như sau chế độ cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng:

1. Mọi việc xuất nhập với các nước tư bản đều phải có giấy phép xuất hàng, nhập hàng (theo mẫu kèm).

Đối với hàng buôn bán với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, giấy phép xuất nhập sẽ thay bằng trích sao hợp đồng đã được Bộ duyệt, và chỉ cần giấy phép trong trường hợp không có hợp đồng

Đối với hàng trao đổi theo chế độ Mậu dịch địa phương ở biên giới Việt-Trung, giấy phép xuất nhập cũng sẽ thay bằng trích sao hợp đồng, và chỉ cần giấy phép trong trường hợp không có hợp đồng.

Hàng thông qua và quá cảnh không phải có giấy phép.

2. Giấy phép xuất nhập do Bộ Ngoại thương cấp.

Đối với hàng xuất nhập với Hồng kông, Bộ ủy nhiệm cho Sở Quản lý Ngoại thương Hải phòng cấp giấy phép (như vẫn làm từ trước tới nay).

Đối với hàng trao đổi theo chế độ Mậu dịch địa phương ở biên giới Việt-Trung, trong trường hợp không có hợp đồng, giấy phép xuất hay nhập do Chi sở hải quan địa phương cấp.

3. Giấy phép cấp cho từng chuyến xuất khẩu hay nhập khẩu. Tuy nhiên, theo đề nghị của Tổng công ty, Bộ có thể cấp cho từng thời gian (một tháng hay ba tháng) cho một số loại hàng nhất định.

Giấy phép xuất nhập hàng có thể gồm một hay nhiều mặt hàng, nhưng chỉ riêng cho một người mua và một người bán.

Hàng và nguyên liệu tạm nhập để chế biến thành hàng xuất khẩu (được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu) sẽ được cấp một giấy phép riêng.

4. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phải làm thành ba bản và giao cả cho người xin. Hải quan ở cửa khẩu căn cứ và giấy phép để cho hàng đi, nếu không có giấy phép thì Hải quan không cho đi. Sau mỗi chuyến xuất khẩu, nhập khẩu, Hải quan chứng nhận kết quả thi hành giấy phép và gửi:

- Một bản trả lại nơi cấp để theo dõi sự thực hiện.

- Một bản lưu ở Hải quan cửa khẩu

- Một bản trả lại cho người xuất hàng, nhập hàng

Đối với giấy phép cấp trong một thời gian dài, gồm nhiều chuyến, thì Hải quan chứng nhận dần dần, theo từng chuyến hàng thực xuất hay thực nhập và khi hết hạn, ghi nhận xét về kết quả thi hành giấy phép trước khi gửi trả về nơi cấp.

5. Trong trường hợp quy cách, phẩm chất, bao bì…không đúng như ghi trong giấy phép, nhưng có giấy tờ thỏa thuận của người mua, thì Hải quan cho đi và báo cáo về Bộ; khi giấy phép xuất hàng, nhập hàng quá hạn, Hải quan cửa khẩu có thể xét hoàn cảnh thực tế mà cho gia hạn và báo cáo về Bộ.

Chỉ cơ quan đã cấp giấy phép mới có quyền hủy bỏ giấy phép.

Chế độ giấy phép xuất nhập hàng quy định trên đây bắt đầu thi hành từ ngày 1 tháng 11 năm 1958.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG




Phan Anh

 

 

 

[...]