Thông tư 197-BNT-HQ năm 1964 quy định chế độ cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng do Bộ Ngoại thương ban hành

Số hiệu 197-BNT-HQ
Ngày ban hành 11/12/1963
Ngày có hiệu lực 01/01/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Nghiêm Bá Đức
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 197-BNT-HQ

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CẤP GIẤY PHÉP XUẤT HÀNG, NHẬP HÀNG

Để cải tiến chế độ cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng đã ban hành cuối năm 1958, trên cơ sở những kinh nghiệm đã rút ra được trong quá trình thực hiện chế độ này, bộ tổng hợp những điểm trong thông tư số 4864-BNT-HQ ngày 08-10-1958 về việc cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng và trong các chỉ thị bổ sung còn thích hợp với tình hình hiện nay và quy định lại chế độ cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng như sau:

I. QUAN NIỆM VỀ GIẤY XUẤT HÀNG, NHẬP HÀNG

Giấy phép xuất hàng, nhập hàng biểu hiện một mặt của sự chỉ đạo của bộ Ngoại thương về mặt xuất nhập hàng là một mục tiêu hoạt động của các tổ chức kinh doanh hàng xuất, nhập khẩu và đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan hải quan giám sát và quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mọi việc xuất hàng, nhâp hàng với nước ngoài đều phải có giấy phép xuất hàng, nhập hàng.

2. Hàng thông qua và quá cảnh không phải có giấy phép xuất, giấy phép nhận, nhưng phải có giấy phép thông qua quá cảnh quy định trong thông tư của bộ số 206-BNT-HQ ngày 28-12-1962.

3. Giấy phép xuất hàng, nhập hàng của các công ty xuất nhập khẩu, của sở xuất nhập khẩu sách báo, và Quốc doanh phát hành phim (trừ tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật và cục xuất nhập khẩu) sẽ do vụ Xuất và vụ Nhập thuộc bộ trực tiếp cấp. Bộ ủy quyền cho cục Thiết bị toàn bộ kiêm tổng công ty nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật và cục Xuất nhập khẩu cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng đối với những mặt hàng mà các đơn vị này được phân công phụ trách.

4. Đối với hàng của các công ty kinh doanh hàng xuất nhập khẩu địa phương (hàng mậu dịch địa phương), giấy phép sẽ do ủy ban hành chính tỉnh được bộ Ngoại thương ủy quyền cấp căn cứ theo hợp đồng mậu dịch địa phương ký với nước ngoài. Ở những địa phương có thành lập sở Ngoại thương thì việc cấp giấy phép xuất hàng, nhập hàng sẽ do tổ chức này đảm nhiệm thay cho ủy ban hành chính tỉnh.

5. Giấy phép xuất hàng, nhập hàng không thuộc các mặt hàng do các cơ quan nói trên đảm nhiệm, sẽ do cục Hải quan được sự ủy quyền của cấp bộ cấp.

6. Giấy phép sẽ cấp cho từng tuyến xuất hàng, nhập hàng. Riêng đối với một số mặt hàng ít phức tạp như than, xi-măng, cơ-rô-mit, a-pa-tit v.v… bộ có thể cấp giấy phép cho từng tháng. Đối với hàng nhập khẩu, giấy phép chỉ cấp cho từng chuyến không cấp cho từng thời gian. Nếu cần nhiều chuyến mới thi hành xong một hợp đồng, bộ sẽ cấp bấy nhiêu giấy phép, hoặc một lần hoặc nhiều lần, tùy theo tín dụng thư mở cho một lần hoặc nhiều lần.

Sau khi có giấy phép, các tổ chức kinh doanh hàng xuất nhập khẩu mới được xin mở tín dụng thư.

7. Giấy phép xuất hàng, nhập hàng có thể gồm có một hay nhiều mặt hàng nhưng chỉ riêng cho một người mua và một người bán.

8. Hàng và nguyên liệu tạm nhập để tái xuất hoặc để chế biến thành hàng xuất khẩu được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu và được cấp một giấy phép riêng.

9. Nội dung giấy phép xuất hàng, nhập hàng gồm có:

a) Tên, địa chỉ người hay cơ quan xin xuất hàng, nhập hàng.

b) Tên, địa chỉ người mua hàng (nếu là hàng xuất) người bán hàng (nếu là hàng nhập).

c) Dẫn chiếu số hợp đồng đã ký kết nếu có.

d) Cửa khẩu xuất hay nhập hàng.

e) Phương tiện chuyên chở.

g) Chi tiết về hàng xuất, hàng nhập:

- Hàng thuộc loại kinh doanh, viện trợ, tạm nhập để tái xuất.

- Tên hàng xuất, hàng nhập bằng tiếng Việt nam (có thể ghi thêm tiếng nước ngoài) phải ghi đúng theo hợp đồng, mã ký hiệu.

- Số lượng, trọng lượng.

- Quy cách phẩm chất bao bì.

- Trị giá FOB (nếu là hàng xuất) CIF, C.F hay FOB (nếu là hàng nhập).

- Trường hợp hàng được miễn thuế thì phải ghi rõ.

[...]