Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 70/2000/TT-BTC hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 70/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 17/07/2000
Ngày có hiệu lực 01/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Đầu tư,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số: 70/2000/TT-BTC 

Hà Nội,ngày 17 tháng 07 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 70/2000/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Căn  cứ Luật Ngân sách Nhà nước  ngày 20  tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ  Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999  của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ  Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000  của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều  của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999  của Chính phủ;
Bộ Tài  chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư  như sau:

PHẦN I
QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các dự án đầu tư của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng đều phải quyết toán vốn đầu tư. Chủ đầu tư  chịu trách nhiệm lập và  quyết toán toàn bộ vốn đầu tư dự án hoàn thành với cơ quan có thẩm quyền.

2. Các dự án đầu tư dùng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn do doanh nghiệp của nhà nước huy động để đầu tư phát triển phải được cơ quan có thẩm quyền  thẩm tra và phê duyệt quyết toán  vốn đầu tư.

3. "Vốn đầu tư được quyết toán"  là toàn bộ chi phí  hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư  để đưa dự án vào khai thác sử dụng.  Chi phí hợp pháp là chi phí theo đúng hợp  đồng đã ký kết và thiết kế dự toán được  phê duyệt, bảo đảm đúng quy chuẩn, định mức, đơn giá, chế độ tài chính - kế toán và những quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan. Vốn đầu tư được quyết toán trong giới hạn tổng mức đầu tư  được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh (nếu có).

4. Quyết toán vốn đầu tư phải xác định đầy đủ, chính xác tổng mức vốn đầu tư đã thực hiện; phân định rõ nguồn vốn  đầu tư; vốn đầu tư chuyển  thành tài sản cố định, tài sản lưu động, hoặc chi phí không thành tài sản của dự án. Qua quyết toán vốn đầu tư  xác định số lượng, năng lực sản xuất, giá trị TSCĐ mới tăng do đầu tư mang lại để có kế hoạch huy động, sử dụng kịp thời và phát huy hiệu quả của dự án  đầu tư  đã hoàn thành. Trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, cấp trên chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng  trong quá trình  quản lý, sử dụng vốn đầu tư.

5. Đối với các dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành khai thác và thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án được thực hiện quyết toán như một dự án đầu tư độc lập.

6. Đối với dự án có nhiều hạng mục công trình mà mỗi hạng mục (hoặc nhóm hạng mục công trình) khi hoàn thành nếu độc lập vận hành khai thác sử dụng và xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán có thể cho phép quyết toán hạng mục (hoặc nhóm hạng mục) bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị và chi phí khác có liên quan trực tiếp của hạng mục (hoặc nhóm hạng mục công trình) nói trên; Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành chủ đầu tư phải tổng quyết toán toàn bộ dự án và phân bổ chi phí khác cho từng hạng  mục theo quy định.

7. Quyết toán vốn đầu tư phải đầy đủ, đúng nội dung, đảm bảo thời gian lập, thẩm tra và phê duyệt  theo quy định của Thông tư này.

8. Thông qua quyết toán vốn đầu tư đánh giá kết quả quá trình đầu tư, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác  quản lý  đầu tư  và xây dựng.

PHẦN II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. NỘI DUNG BÁO CÁO QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

1. Báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm:

1.1. Đối với chủ đầu tư:

a. Hàng năm, khi kết thúc năm kế hoạch chủ đầu tư phải lập báo cáo thực hiện vốn đầu tư trong năm gửi cơ quan thanh toán, cơ quan cho vay vốn, cơ quan quyết định đầu tư  theo biểu mẫu số 01/BC-THN đính kèm thông tư này. Báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm gồm các nội dung sau:

* Tình hình thực hiện đầu tư trong năm kế hoạch:

- Giá trị khối lượng  thực hiện trong năm và luỹ kế từ khởi công.

- Số vốn được thanh toán, cho vay trong năm và luỹ kế từ khởi công.

- Giá trị khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán vốn chưa được thanh toán.

* Nguồn vốn đầu tư.

* Công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng trong năm.

b. Báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm của dự án, chủ đầu tư phải phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, kết quả đầu tư trong năm, các vấn đề khó khăn tồn tại và kiến nghị biện pháp giải quyết.

1.2. Đối với cơ quan cấp trên của chủ đầu tư:

a. Căn cứ vào báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm của các chủ đầu tư, UBND tỉnh, thành phố, các Bộ ngành chỉ đạo cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm của đơn vị theo biểu mẫu số 02/BC-THN đính kèm thông tư này gửi Bộ Tài chính, Tổng cục thống kê theo nội dung sau:

* Tình hình thực hiện đầu tư trong năm kế hoạch:

- Giá trị khối lượng  thực hiện trong năm và luỹ kế từ khởi công.

[...]