Thông tư 3984-LN/KL-1977 hướng dẫn việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm luật lệ về bảo vệ rừng do Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 3984-LN/KL
Ngày ban hành 15/10/1977
Ngày có hiệu lực 30/10/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp
Người ký Trần Văn Quế
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP
******

Số: 3984-LN/KL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1977

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM LUẬT LỆ VỀ BẢO VỆ RỪNG

Quyền hạn của kiểm lâm nhân dân trong việc khám xét, bắt giữ tang vật, lập biên bản và xử lý đối với các vi phạm luật lệ về bảo vệ rừng đã được quy định tại các điều 16, 21và 23 của Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, và được quy định cụ thể trong nghị định số 101-CP ngày 21-5-1973 của Hội đồng Chính phủ quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân.

Căn cứ vào điều 9 và điều 14 của nghị định số 101-CP, Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn cụ thể và quy định thủ tục tiến hành việc xử phạt hành chính thuộc quyền của kiểm lâm nhân dân.

Phần I

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

I. Mục đích:  

1. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thi hành pháp luật; tuyên truyền giáo dục mọi người nâng cao ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ bảo vệ rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng;

2. Xử lý nghiêm minh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các hành động phá hại rừng và tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép lâm sản;

3. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường quản lý vật tư lâm sản, quản lý thị trường, quản lý trận tự trị an.

II. Yêu cầu:  

1. Xử phạt phải theo đúng các quy định chung của pháp luật, của luật lệ bảo vệ rừng, theo đúng quyền hạn và thủ tục xử phạt hành chính.

2. Xử phạt đúng người vi phạm. Phải xác định rõ ai là người vi phạm, trách nhiệm của từng cá nhân, người ra lệnh và người thừa hành, kẻ chủ mưu và tòng phạm; nhân thân, thái độ của người vi phạm, các chính sách có liên quan đến người vi phạm, v.v… để việc xử lý được hợp lý, hợp tình.

3. Xử phạt đúng hành động vi phạm. Xét, xử phạt một vụ vi phạm phải kết hợp nhiều mặt, xét mức độ tác hại thực tế đã gây ra đồng thời xét các mặt khác như tính chất, động cơ hành động vi phạm, nguồn gốc và hoàn cảnh vi phạm.

4. Tất cả các hành động vi phạm đã phát hiện đều phải được xem xét, nếu không cần thiết phải xử phạt thì cũng phải phê bình, giáo dục, nhất thiết không được bỏ qua.

5.  Phải tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, không được gây trở ngại cho việc làm ăn, sinh sống hợp pháp của nhân dân.

Phần II

NỘI DUNG CỦA VIỆC XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

I. NỘI DUNG VIỆC XÉT, XỬ PHẠT

1. Một hành động bị coi là vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính, phải là hành động đã vi phạm một trong những điều ghi ở chương II của Pháp lệnh hoặc tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản mà không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, cụ thể là thuộc những hành động vi phạm quy định ở phần III trong thông tư này. Đối tượng rừng, lâm sản bị gây thiệt hại được xem xét để áp dụng xử phạt theo thông tư này bao gồm: các loại rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước quản lý; các loại lâm sản trong rừng Nhà nước, các loại chim, thú hoang dã, các loại cây trồng trên đất công cộng: lâm sản và các đồ vật bằng gỗ có nguồn gốc sử dụng hoặc mua bán không đúng chế độ quy định của Nhà nước.

2. Về hình thức xử phạt hành chính, theo điều 21 và 23 của Pháp lệnh, tùy theo tính chất và mức độ tác hại của hành động vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt như sau:

a) Cảnh cáo, thu hồi giấy phép và tịch thu tang vật, hoặc một, hai trong ba hình thức xử phạt đó.

b) Phạt tiền từ 1 đồng đến 200 đồng, thu hồi giấy phép và tịch thu tang vật, hoặc một, hai trong ba hình thức xử phạt đó.

Trong biện pháp xử lý đối với người vi phạm, đồng thời với việc thi hành các hình thức xử phạt trên đây, còn áp dụng việc bồi thường, theo nguyên tắc là người vi phạm có gây thiệt hại đến tài nguyên rừng thì phải bồi thường thiệt hại đã gây ra. Căn cứ vào thiệt hại cụ thể, cơ quan xử lý có thể buộc người vi phạm bồi thường toàn bộ hoặc một phần theo giá trị lâm sản hoặc giá trị về công sức lao động phải bỏ ra để phục hồi lại rừng đã bị phá hại. Cụ thể là bồi thường bằng tiền hoặc tự bỏ công sức tu bổ, gây trồng lại rừng cho Nhà nước.

3. Về quyền hạn xử phạt hành chính.

a) Cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ, được quyền cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đồng đến 10 đồng và có thể tạm giữ giấy phép, tịch thu tang vật của người vi phạm. Về việc thực hiện quyền hạn xử phạt này, để bảo đảm việc xử phạt được thận trọng, đúng pháp luật, tránh gây phiền hà cho nhân dân, các chi cục, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh phải tổ chức chỉ đạo thí điểm, trước mắt có thể chỉ giao quyền hạn xử phạt có giới hạn cho một số đối tượng là trạm trưởng kiểm lâm nhân dân hoặc phải là tập thể một nhóm, tổ cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, mới được xử phạt. Trên cơ sở đó, từng địa phương tổ chức rút kinh nghiệm chung, để tiến tới thực hiện đúng quyền hạn xử phạt của cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân theo như quy định của pháp luật trên đây.

b) Hạt trưởng, phó hạt trưởng kiểm lâm nhân dân được quyền cảnh cáo hoặc quyết định phạt tiền từ 1 đồng đến 100 đồng và có thể thu hồi giấy phép, tịch thu tang vật, buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại đã gây ra.

c) Chi cục trưởng, phó chi cục trưởng kiểm lâm nhân dân được quyền cảnh cáo hoặc quyết định phạt tiền từ 1 đồng đến 200 đồng và có thể thu hồi giấy phép, tịch thu tang vật, buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại đã gây ra.

[...]