Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng năm 1972

Số hiệu 147/LCT
Ngày ban hành 06/09/1972
Ngày có hiệu lực 21/09/1972
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Tôn Đức Thắng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/LCT

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1972

 

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH VIỆC BẢO VỆ RỪNG

Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hoá công cộng. Việc bảo vệ rừng phải do Nhà nước và toàn dân cùng làm.
Căn cứ vào Điều 12 và Điều 40 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà;
Để bảo vệ rừng và phát triển tài nguyên phong phú của rừng, phát huy tác dụng to lớn của rừng trong việc giữ nguồn nước và điều tiết nước, giữ đất, chống xói mòn, chống cát bay, điều hoà khí hậu, hạn chế tác hại của gió, bão, lũ, lụt, hạn hán, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần làm cho nước nhà giàu mạnh;
Để phát huy tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội và nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, động viên toàn dân ra sức đấu tranh chống mọi hành động làm thiệt hại đến rừng,
Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ rừng.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1

Rừng và đất rừng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tức là của toàn dân, không ai được xâm phạm.

Chính phủ có trách nhiệm quy hoạch toàn diện và phân phối đất đai cho nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyên dùng, có bản đồ phân định ranh giới rừng và đất rừng đến tận xã.

Nhà nước bảo đảm quyền lợi cho những tập thể và cá nhân đã có công trồng cây trên đất rừng.

Chính phủ quy định các chính sách, chế độ nhằm khuyến khích hợp tác xã và nhân dân những nơi có rừng tích cực tham gia trồng rừng, làm nghề rừng, góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Điều 2

Nhà Nước thống nhất quản lý việc bảo vệ rừng.

Tất cả các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp công nghiệp và nông nghiệp, công trường, đơn vị vũ trang nhân dân, hợp tác xã và toàn dân đều có nghĩa vụ bảo vệ rừng; phải triệt để tuân theo luật lệ bảo vệ rừng và chống mọi hành động vi phạm luật lệ đó.

Chính phủ tổ chức lực lượng chuyên trách và lực lượng quần chúng để bảo vệ rừng.

Chương 2:

NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG

Điều 3

Cấm phá rừng. Những rừng tự nhiên và rừng trồng đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong trường hợp cần thiết phải phá rừng để lấy đất trồng trọt, xây dựng theo chủ trương và kế hoạch chung của Nhà nước hoặc để làm bất cứ việc gì khác thuộc lợi ích công cộng thì phải được Hội đồng Chính phủ cho phép.

Điều 4

C ấm mọi hành động chặt cây rừng trái với các điều quy định của Nhà nước.

Việc khai thác rừng phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch, chế độ và thể lệ của Nhà nước và phải được cơ quan lâm nghiệp từ cấp tỉnh trở lên cho phép. Lâm trường, nông trường, công trường, xí nghiệp công nghiệp, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân chặt cây rừng đến đâu phải dọn rừng, tu bổ hoặc trồng lại rừng đến đó, dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của cơ quan lâm nghiệp.

Tập thể hay là cá nhân được phép lấy gỗ hoặc các lâm sản khác phải nộp tiền nuôi rừng cho Nhà nước để dùng vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 5

Chính phủ quy định những khu rừng cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ sức khoẻ, nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặc biệt khác.

Ở những khu rừng này, cấm chặt cây, trừ trường hợp để dọn rừng và tu bổ rừng, cấm săn bắn chim, muông, thú rừng.

Điều 6

Cấm phát rừng, đốt rừng để làm nương rẵy.

[...]