Thông tư 33/NH-TT-1989 hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 33/NH-TT
Ngày ban hành 15/03/1989
Ngày có hiệu lực 15/03/1989
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lữ Minh Châu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/NH-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1989

 

THÔNG TƯ

SỐ 33/NH-TT NGÀY 15-3-1989 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kèm theo Nghị định số 161-HĐBT ngày 18/10/1988; Căn cứ vào Điều 3 của Nghị định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

I. VỀ PHẠM VI QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

(Điều 1, 2, 3)

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại hối và kinh doanh ngoại hối. Mọi việc kinh doanh ngoại hối đều được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là cơ quan được phép kinh doanh ngoại hối. Ngoài ra, các Ngân hàng chuyên doanh khác, các Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức kinh tế trong nước muốn kinh doanh ngoại hối hoặc dịch vụ thu ngoại tệ (kể cả kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ tiền mặt) đều phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương cho phép.

Việc lưu thông ngoại tệ trong nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ được thực hiện qua các Ngân hàng và các tổ chức kinh doanh, dịch vụ được phép thu ngoại tệ nói trên.

Nghiêm cấm việc mua, bán, trao đổi ngoại tệ trên thị trường tự do.

Ngoại hối quy định trong Điều lệ bao gồm:

a) Các loại tiền nước ngoài bao gồm tiền giấy, tiền bằng kim loại còn hiệu lực lưu hành, các loại phiếu, các phương tiện chi trả được ghi bằng tiền nước ngoài như công trái Nhà nước, phiếu kho bạc, trái phiếu, hối phiếu, cổ phiếu, ngân phiếu, phiếu lợi tức, séc thường, séc lữ hành, thư tín dụng lữ hành, lệnh trả tiền, giấy nhận nợ và các giấy chứng nhận tiền gửi Ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi bưu điện (dưới đây gọi tắt là ngoại tệ).

Riêng đối với những loại giấy tờ chỉ có giá trị thanh toán và sử dụng bằng ngoại tệ ở nước ngoài chưa áp dụng tại Việt Nam như thẻ tín dụng (Credit Card)... thì chưa thuộc phạm vi quản lý ngoại hối theo quy định trong Thông tư này.

b) Kim loại quý, đá quý khi được mang hoặc chuyển ra nước ngoài và từ nước ngoài mang hoặc chuyển vào Việt Nam bao gồm: vàng, bạc và các loại kim loại thuộc nhóm bạch kim (platin, pa-la-di, I-ri-di, Ru-te-ni, Os-mi) ở thể nguyên chất hay hợp kim dưới dạng thỏi, nén, khối, lá, hột, mảnh vụn, bột, dung dịch hay đã làm thành các loại tư trang, vật dụng thí nghiệm, đồ dùng gia đình và cá nhân, tác phẩm văn hoá nghệ thuật, vật lưu niệm, đồng tiền cũ không có giá trị lưu hành; đá quý gồm kim cương, nhóm Ru-bi, Sa-phia còn nguyên thể hoặc đã chế biến.

II. VỀ ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

(điều 4)

Điều lệ quản lý ngoại hối được áp dụng cho các đối tượng sau đây:

a) Các tổ chức và công dân Việt Nam ở trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài bao gồm:

- Các cơ quan, tổ chức kinh tế và xã hội của Việt Nam có trụ sở và địa điểm làm việc tại Việt Nam;

- Các công dân Việt Nam sinh sống tại Việt Nam và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Các đại sứ quán, lãnh sự quán, Thương vụ và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam đặt ở nước ngoài. Công dân Việt Nam đang công tác, lao động, học tập, du lịch, chữa bệnh, thăm viếng ... ở nước ngoài.

- Các tổ chức liên doanh của Việt Nam với nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư của Việt Nam.

b) Các tổ chức và công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm:

- Các Đại sứ quán, lãnh sự quán, Thương vụ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện thường trú khác của nước ngoài tại Việt Nam; công dân nước ngoài đang công tác, học tập, du lịch, chữa bệnh, thăm viếng tại Việt Nam;

- Các tổ chức và công dân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh sô sống tại Việt Nam.

III. VỀ KẾ HOẠCH NGOẠI TỆ

(Điều 5)

Nhà nước quản lý ngoại tệ theo kế hoạch. Các Ngành, địa phương và đơn vị kinh tế có thu chi ngoại tệ phải lập kế hoạch gửi các cơ quan theo quy định của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch ngoại tệ của cả nước và lập bảng cân đối thu chi ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng.

Các đơn vị có ngoại tệ gửi tại Ngân hàng cần lập dự trù thu hoặc chi ngoại tệ theo quý và năm gửi Ngân hàng nơi mở tài khoản ngoại tệ để Ngân hàng chủ động phục vụ và giải quyết cho đơn vị. Ngân hàng có trách nhiệm chi ngoại tệ theo lệnh của chủ tài khoản đúng với chế độ quy định của Nhà nước.

Đối với ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước gửi vào tài khoản tại Ngân hàng thì kế hoạch chi phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt. Bộ tài chính là chủ tài khoản ngoại tệ tập trung của Nhà nước, là cơ quan tổ chức hạch toán, quản lý và điều hành thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ tập trung của Nhà nước.

[...]