Thông tư 32/2009/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 32/2009/TT-BCT
Ngày ban hành 05/11/2009
Ngày có hiệu lực 20/12/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Bùi Xuân Khu
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 32/2009/TT-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ GIỚI HẠN CHO PHÉP ĐỐI VỚI HÀM LƯỢNG FORMALDEHYT, CÁC AMIN THƠM CÓ THỂ GIẢI PHÓNG RA TỪ THUỐC NHUỘM AZO TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN KHỬ TRÊN SẢN PHẨM DỆT MAY

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 11 tháng 7 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 27 tháng 4 năm 1999;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Cụ thể:

a) Hàm lượng formaldehyt tồn dư trên sản phẩm dệt may không được vượt quá giới hạn cho phép nêu trong Phụ lục 1 của Thông tư này;

b) Các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may không được vượt quá giới hạn cho phép nêu trong Phụ lục 2 của Thông tư này.

2. Đối với vải dùng trong công nghiệp xây dựng; vải lót dùng trong công nghiệp sản xuất lốp ôtô và xe máy; quần áo chống cháy dùng theo yêu cầu đặc biệt; vải bạt công nghiệp, sản phẩm với mục đích sử dụng đặc biệt khác và vải nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu không phải là đối tượng được áp dụng tại Thông tư này.

3. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may có liên quan.

Điều 2. Tiêu chuẩn áp dụng và phương pháp lấy mẫu để giám định chất lượng

1. Phương pháp xác định hàm lượng hóa chất tồn dư được thực hiện theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn phân tích tương ứng với các tổ chức quốc tế sau:

a) TCVN 7421-1:2004 (ISO 14184-1:1998), Vật liệu dệt – Xác định formaldehyt – Phần 1: Formaldehyt tự do và thủy phân (phương pháp chiết trong nước);

b) TCVN 7619-1:2007 (EN 14362-1:2003), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định amin thơm dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo – Phần 1: Phát hiện việc sử dụng thuốc nhuộm azo không cần chiết;

c) TCVN 7619-2:2007 (EN 14362-2:2003), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định amin thơm dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo – Phần 2: Phát hiện việc sử dụng thuốc nhuộm azo bằng cách chiết xơ;

d) LMBGB 82.02-2, LMBG B 82.02-4 Xác định thuốc nhuộm azo trên sản phẩm dệt may.

2. Lấy mẫu thử nghiệm để giám định chất lượng được thực hiện như sau:

a) Đối với vải: lấy ngẫu nhiên một mẫu làm đại diện cho mỗi màu từ mỗi lô hàng. Chiều dài lấy mẫu là một mét, chiều rộng cả khổ vải, cách đầu tấm vải ít nhất hai mét;

b) Đối với sản phẩm may: lấy ngẫu nhiên một mẫu làm đại diện cho mỗi kiểu dáng và mỗi màu từ mỗi lô hàng;

c) Mẫu lấy xong phải được bao gói trong túi hoặc màng polyetylen có độ bền cao để tránh nhiễm bẩn. Mẫu được niêm phong theo quy định của pháp luật.

3. Bộ hồ sơ đăng ký lấy mẫu giám định, mẫu phiếu tiếp nhận hồ sơ, Biên bản lấy mẫu được quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này và được đăng trên trang tin điện tử Công Thương Việt Nam của Bộ Công Thương.

Điều 3. Điều kiện đối với tổ chức thử nghiệm và kết quả thử nghiệm

1. Phòng thí nghiệm được Bộ Công thương chỉ định thực hiện việc giám định chất lượng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Phòng thí nghiệm được Văn phòng Công nhận chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng chỉ đảm bảo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2007 Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn và phương pháp thử nghiệm các chỉ tiêu trên phải nằm trong danh mục các phép thử được công nhận;

b) Phòng thí nghiệm được tổ chức công nhận Quốc tế, khu vực cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2007 và phương pháp thử nghiệm các chỉ tiêu trên phải nằm trong danh mục các phép thử được công nhận;

2. Bộ hồ sơ đăng ký Phòng thí nghiệm chỉ định thực hiện việc giám định chất lượng được quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này và được đăng trên trang tin điện tử Công Thương Việt Nam của Bộ Công Thương.

3. Kết quả thử nghiệm từ các tổ chức thử nghiệm được chỉ định được sử dụng trong việc quản lý về chất lượng hàng hóa.

Điều 4. Điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa

1. Sản phẩm dệt may được sản xuất trong nước áp dụng theo quy định tại Điều 4, khoản 1 Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

[...]