Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 31/2004/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 118/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 31/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 12/04/2004
Ngày có hiệu lực 07/05/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Bảo hiểm,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 31/2004/TT-BTC NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2003/NĐ-CP NGÀY 13/10/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2001/QH10 ngày 9/12/2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 2/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

1.1. Xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là "cá nhân, tổ chức") có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà không phải là tội phạm và theo qui định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

1.2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Chương II, Nghị định số 118/2003/NĐ-CP ngày 13/10/2003 (gọi tắt là Nghị định số 118/2003/NĐ-CP).

b) Cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm qui định tại Nghị định 118/2003/NĐ-CP, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có qui định khác.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải tuân theo các quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính nêu tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 2/7/2002 (gọi tắt là Pháp lệnh), Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (gọi tắt là Nghị định số 134/2003/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Chế độ quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

II. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

1. Chỉ những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 25 Nghị định số 118/2003/NĐ-CP mới có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, với hình thức và mức phạt trong phạm vi thẩm quyền quy định. Không được phép tách một vi phạm thành nhiều vi phạm nhỏ hoặc gộp nhiều vi phạm nhỏ thành một vi phạm lớn hơn nhằm mục đích thay đổi thẩm quyền xử phạt.

2. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, các cơ quan chức năng phải chuyển giao hồ sơ vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để xem xét, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 118/2003/NĐ-CP.

3. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì người đầu tiên thụ lý vụ việc sẽ ra quyết định xử phạt.

4. Trong trường hợp, các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của một người thì người đó sẽ ra một quyết định xử phạt chung, nhưng phải ghi rõ từng hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi.

5. Trong trường hợp, một trong các hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo hình thức và mức xử phạt không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

6. Thầm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chánh thanh tra sở Tài chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 118/2003/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

6.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70 triệu đồng;

c) áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 5, khoản 4 Điều 6, điểm a khoản 3 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11, khoản 3 Điều 15, điểm a khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 118/2003/NĐ-CP.

6.2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20 triệu đồng.

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 5, khoản 4 Điều 6, điểm a khoản 3 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11, khoản 3 Điều 15, điểm a khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 118/2003/NĐ-CP.

6.3. Chánh thanh tra Sở Tài chính có quyền:

[...]