Nghị định 118/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Số hiệu 118/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 13/10/2003
Ngày có hiệu lực 02/11/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bảo hiểm,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 118/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2003 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM

­­­­­CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH: 

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1.
Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

1. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là “cá nhân, tổ chức”) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

2. Nghị định này áp dụng đối với :

a) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Chương II của Nghị định này.

b) Cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt

1. Mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

3. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm chỉ bị xử phạt hành chính một lần. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

­Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là 02 năm, kể từ ngày cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm a và điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì bị xử phạt hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm hành chính hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 4. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, nếu quá 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đó.

Chương 2:

CÁC HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC XỬ PHẠT

Mục 1: VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP

Điều 5. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đặt Văn phòng đại diện

[...]