Thông tư 30-TC/VT-1997 về chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 30-TC/VT
Ngày ban hành 12/06/1997
Ngày có hiệu lực 12/06/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-TC/VT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 30-TC/VT NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NGUỒN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI.

Thi hành Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam khoá IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996 và Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại như sau:

I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:

1 - Viện trợ không hoàn lại là một nguồn thu của ngân sách nhà nước, phải được hạch toán và quản lý theo Luật Ngân sách nhà nước.

2 - Viện trợ không hoàn lại được sử dụng dưới hình thức ngân sách nhà nước cấp phát hoặc cho vay lại.

3 - Mọi khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền hoặc hiện vật mà phía Việt nam được nhận và sử dụng đều phải làm thủ tục xác nhận viện trợ . Giấy xác nhận hàng, tiền viện trợ là căn cứ để hoàn tất các thủ tục nhận hàng, nhận tiền và hạch toán vào ngân sách các cấp.

4 - Bộ Tài chính thống nhất quản lý tài chính nhà nước đối với mọi nguồn viện trợ không hoàn lại, từ khâu tham gia ý kiến về mặt tài chính trong việc xác định chủ trương sử dụng viện trợ, thẩm định dự án, phân bổ nguồn vốn cho các dự án, đến nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý tài chính, thực hiện việc xác nhận viện trợ và hạch toán vào ngân sách, hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các chế độ quản lý tài chính, quyết toán của các dự án; hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị thực hiện việc bàn giao tài sản, vật tư, tiền vốn của các dự án sau khi kết thúc.

+ Bộ phận tài chính, kế toán của các Bộ, ngành có trách nhiệm giúp Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý tài chính đối với toàn bộ các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại do Bộ, ngành TW tiếp nhận và thực hiện.

+ Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, thành phố quản lý tài chính đối với toàn bộ các chương trình, dự án, các khoản viện trợ không hoàn lại do các đơn vị thuộc địa phương tiếp nhận và thực hiện.

5- Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Chủ tịch các Hội, Đoàn thể, các tổ chức quần chúng có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra về công tác quản lý tài chính ở các đơn vị thực hiện các chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của mình.

6 - Chủ nhiệm các chương trình, Giám đốc các dự án, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đúng các mục tiêu, đối tượng và các cam kết khác đã ghi trong từng chương trình, dự án; chấp hành nghiêm chỉnh thể chế tài chính, Pháp lệnh kế toán thống kê, Điều lệ tổ chức kế toán và chế độ hạch toán kế toán, chế độ kiểm toán hiện hành của nhà nước.

II/ NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

A/ LẬP VÀ TỔNG HỢP DỰ TOÁN.

Hàng năm, căn cứ Thông tư hướng dẫn lập dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính; Căn cứ vào các văn bản cam kết hoặc thoả thuận và kế hoạch triển khai chương trình, dự án hoặc thông báo phân phối viện trợ của cơ quan chủ quản cho đơn vị; Căn cứ vào tình hình thực hiện dự án trong năm; Các chủ dự án lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng (nếu có) cùng với dự toán ngân sách của đơn vị gửi cơ quan chủ quản dự án và cơ quan tài chính đồng cấp:

- Dự án thuộc các Bộ, ngành gửi bộ phận tài chính kế toán của Bộ, ngành .

- Dự án do Tỉnh, Thành phố thực hiện gửi Sở Tài chính Vật giá.

Các Bộ, ngành Trung ương và các Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại và nhu cầu vốn đối ứng (nếu có) trong dự toán ngân sách hàng năm báo cáo Bộ Tài chính (Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) để tổng hợp chung trong NSNN, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại được lập theo những nội dung quy định trong mẫu biểu đính kèm thông tư này.

Riêng dự toán về vốn đối ứng (bao gồm cả các chi phí từ khâu lập dự án đến tiếp nhận, vận chuyển, lưu kho hàng hoá, thiết bị, chi phí quản lý điều hành dự án...) theo từng loại vốn (xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp...) phải phù hợp với nội dung các văn bản cam kết, hiệp định hoặc thoả thuận và phù hợp với tiến độ thực hiện của từng dự án. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thì chủ dự án phải dùng nguồn tự có hoặc đi vay để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng này.

B/ THỰC HIỆN TIẾP NHẬN VÀ QUẢN LÝ.

1/ Xác nhận viện trợ

1.1/ Đối tượng phải làm giấy xác nhận viện trợ:

Tất cả các đơn vị, chủ dự án có nhận hàng, tiền viện trợ của nước ngoài ( kể cả được sử dụng dưới hình thức ngân sách nhà nước cấp phát hay cho vay lại ).

1.2/ Phạm vi các khoản viện trợ không hoàn lại phải làm xác nhận viện trợ bao gồm:

+ Hàng hoá, thiết bị phía viện trợ chuyển giao cho các đơn vị trong nước qua con đường nhập khẩu theo các chương trình, dự án.

+ Hàng hoá, thiết bị phía viện trợ đặt mua trong nước rồi chuyển giao cho các đơn vị theo các chương trình, dự án đã được ký kết.

+ Hàng hoá, thiết bị có trong danh mục dự án viện trợ, được mang vào theo chuyên gia và do Bên nước ngoài trực tiếp sử dụng, nhưng được cam kết sẽ bàn giao lại cho các đơn vị sau khi kết thúc các chương trình, dự án viện trợ.

[...]