Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 30/2010/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ nội địa do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 30/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 05/03/2010
Ngày có hiệu lực 19/04/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 30/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 5 tháng 3 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH TRONG LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 9 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ và đường thuỷ nội địa, như sau:

Điều 1. Quy định chung:

1. Phạm vi điều chỉnh: là các sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ và đường thuỷ nội địa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định; được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng cho các đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (là các đơn vị được Bộ Giao thông giao nhiệm vụ đối với đường quốc lộ, đường thuỷ nội địa quốc gia; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ đối với đường bộ và đường thuỷ nội địa địa phương); các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là các đơn vị cung ứng sản xuất dịch vụ công ích), có chức năng nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh phù hợp với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực đường bộ và đường thuỷ nội địa.

Các đơn vị cung ứng sản xuất dịch vụ công ích phải có đủ các điều kiện để thực hiện phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 12 và điểm b khoản 1 Điều 17 Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 9/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

3. Thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ; đường thuỷ nội địa theo tuyến đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa.

Việc quy định cụ thể độ dài tuyến đường bộ, tuyến đường thuỷ nội do Bộ Giao thông vận tải quy định đối với đường quốc lộ và đường thuỷ nội địa quốc gia; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định đối với đường bộ và đường thuỷ nội địa địa phương.

4. Thời gian thực hiện phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với quản lý, bảo trì đường bộ; đường thuỷ nội địa:

- Phương thức đấu thầu: Thực hiện đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, thời gian là 3 năm

- Phương thức đặt hàng: Thời gian là 1 năm;

- Phương thức giao kế hoạch: Thời gian là 1 năm.

5. Tiêu chí phân loại đường đô thị, đường bộ vùng sâu, vùng xa do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Điều 2. Các phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:

1. Đấu thầu: Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp công lập.

a) Đối với đường bộ:

- Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo tuyến đường bộ (trừ bến phà và cầu phao đường bộ, hầm đường bộ và đường đô thị, đường bộ vùng sâu, vùng xa) có giá sản phẩm, dịch vụ công ích được duyệt (gọi tắt là giá sản phẩm, dịch vụ) theo giá phải tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành.

Căn cứ điều kiện cụ thể của từng tuyến đường, Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (đối với đường địa phương) xem xét quyết định thực hiện phương thức đấu thầu. Trường hợp cần thiết Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (đối với đường địa phương) xem xét quyết định thực hiện phương thức đặt hàng.

- Sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa, sửa chữa lớn) đường bộ (trừ hầm đường bộ); sửa chữa khắc phục hậu quả bão lũ và các nguyên nhân khác để đảm bảo giao thông (thông xe bước 2) đối với công trình hoặc hạng mục công trình có giá sản phẩm, dịch vụ theo giá phải tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành.

b) Đối với đường thuỷ nội địa:

Nạo vét chỉnh trị; thanh thải vật chướng ngại dưới lòng sông; sửa chữa lớn kè, công trình chỉnh trị dòng chảy; khôi phục các công trình và kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa do hậu quả lụt, bão đối với công trình hoặc hạng mục công trình có giá sản phẩm, dịch vụ theo giá phải tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành.

2. Đặt hàng hoặc giao kế hoạch:

2.1. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải; thực hiện theo phương thức đặt hàng.

a) Đối với đường bộ:

- Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo tuyến đường bộ ở khu vực đường đô thị, đường bộ vùng sâu, vùng xa;

- Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo tuyến đường bộ (trừ đường đô thị, đường bộ vùng sâu, vùng xa) có giá sản phẩm, dịch vụ thấp hơn giá phải tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành.

[...]