BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
30/2001/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2001
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 30/2001/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 05 NĂM 2001
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 128/1998/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 1998 CỦA BỘ
TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/CP NGÀY 17 THÁNG 4 NAM 1996 CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Căn cứ quy định của các Luật
thuế, Pháp lệnh thuế và pháp luật về các khoản thu nộp khác của ngân sách Nhà
nước;
Sau thời gian thi hành Nghị định số 22/CP ngày 17 tháng 4 năm 1996 của Chính
phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, để tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số
điểm của Thông tư số 128/1998 /TT-BTC ngày 22 tháng 9 năm 1998 của Bộ Tài chính
(sau đây gọi tắt là Thông tư số 128/1998/TT-BTC) như sau:
I. Thay thế
điểm 1, Mục II của Thông tư số 128/1998/TT-BTC bằng điểm 1 mới như sau:
1. Mức xử phạt đối với hành vi
vi phạm về thủ tục đăng ký nộp thuế, kê khai nộp thuế, hành vi vi phạm chế độ
hoá đơn, chứng từ chứng minh việc tính thuế, nộp thuế đối với hàng hoá vận chuyển
trên đường.
1.1. Vi phạm lần đầu phạt
cảnh cáo; nếu vi phạm lần 2 thì phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu
có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với một trong những
hành vi sau:
a. Đăng ký nộp thuế, đăng ký mã
số thuế (kể cả trường hợp phải đăng ký bổ sung mỗi khi có sự thay đổi) với cơ
quan thuế quá thời hạn quy định trong các văn bản hiện hành hướng dẫn thực hiện
pháp luật về thuế.
b. Khai không đúng, không đủ các
khoản mục quy định trong tờ khai thuế.
1.2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến
1.000.000 đồng đối với vi phạm lần đầu; nếu vi phạm lần 2 phạt từ 2.000.000 đồng
đến 4.000.000 đồng, nếu có 1 tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 6.000.000 đồng,
nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên có thể phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối
với một trong các hành vi sau:
a. Không nộp tờ khai thuế cho cơ
quan thu thuế trong thời hạn quy định của các văn bản hiện hành hướng dẫn thực
hiện pháp luật về thuế.
b. Vận chuyển hàng hoá không kèm
theo các hồ sơ, giấy tờ chứng minh việc tính thuế, nộp thuế, nguồn gốc hàng hoá
quy định cho từng đối tượng kinh doanh (sổ mua hàng, tờ khai nhập khẩu, chứng từ,
giấy tờ hợp lệ khác).
1.3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng
đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm lần đầu nếu vi phạm lần 2 phạt tiền đến
13.000.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 20.000.000 đồng đối
với hành vi không nộp các tờ khai thuế và các giấy tờ khác liên quan đến việc
tính thuế, nộp thuế cho cơ quan thu thuế theo quy định của pháp luật. Tình tiết
tăng nặng trong trường hợp này còn bao gồm cả việc trì hoãn, không thực hiện
thông báo của cơ quan thuế, cụ thể là: sau khi hết hạn nộp các loại giấy tờ trên
theo quy định, cơ quan thu thuế gửi giấy thông báo lần thứ nhất cho đối tượng nộp
thuế, quá 10 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà đối tượng nộp thuế vẫn không nộp,
cơ quan thu thuế gửi thông báo lần thứ 2. Nếu quá 10 ngày kể từ ngày gửi thông
báo lần thứ 2 mà đối tượng nộp thuế vẫn không nộp thì hành vi này được xác định
là có tình tiết tăng nặng.
II. Thay thế
diểm 2, Mục II của Thông tư số 128/1998/TT-BTC bằng điểm 2 mới như sau:
2. Hành vi khai man, trốn thuế.
Khai man, trốn thuế là hành vi của
đối tượng nộp thuế vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến làm giảm một phần
hay toàn bộ số thuế theo quy định của pháp luật hoặc để được hưởng lợi không
đúng từ việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế.
Các tiêu chí để xác định hành vi
khai man, trốn thuế là:
+ Khai man, trốn thuế là
hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm cả pháp luật về thuế và pháp luật khác.
+ Chủ thể của hành vi
khai man, trốn thuế là các cá nhân hoặc tổ chức thuộc đối tượng nộp thuế.
+ Hậu quả của hành vi vi
phạm là dẫn đến việc làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, được
giảm, được hoàn.
Thời điểm để xác định hành vi
khai man, trốn thuế là thời điểm hành vi vi phạm bị phát hiện, phù hợp với
phương thức, thời hạn phải kê khai, phải nộp thuế, phải quyết toán thuế theo
quy định của các Luật, Pháp lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể
như sau:
+ Đối với các trường hợp
pháp luật quy định chế độ kê khai, tạm nộp hàng tháng, quyết toán theo năm: được
xác định là khai man, trốn thuế nếu hành vi vi phạm bị phát hiện sau ngày phải
nộp quyết toán thuế hàng năm.
+ Đối với các trường hợp
pháp luật quy định kê khai nộp thuế 1 lần theo thông báo của cơ quan thu thuế
được xác định là khai man, trốn thuế nếu hành vi vi phạm bị phát hiện sau ngày
phải nộp đủ tiền thuế ghi trên thông báo của cơ quan thu thuế.
Tổ chức, cá nhân có hành vi khai
man, trốn thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền do khai man, trốn thuế còn bị xử
phạt tiền theo số lần tính trên số tiền thuế trốn theo các mức quy định dưới
đây, nhưng mức phạt tối đa không quá 100. 000.000 đồng:
2.1. Phạt bằng số tiền thuế trốn,
nếu có tình tiết tăng nặng (trừ trường hợp đã bị xử lý về hành vi khai man, trốn
thuế mà còn vi phạm) thì bị phạt đến 2 lần số tiền thuế trốn đối với một trong
các hành vi sau:
a. Kê khai không đúng đối tượng
chịu thuế, căn cứ tính thuế theo quy định của từng loại thuế, bao gồm:
- Kê khai sai nguồn gốc, mục
đích sử dụng, chủng loại, số lượng, quy cách, thực trạng hàng hoá, dịch vụ, mã
số thuế, giá tính thuế, thuế suất;
- Kê khai sai đối tượng, mặt
hàng, loại hình kinh doanh, địa bàn hoạt động để gian lận thu nhập được miễn
thuế, giảm thuế, trốn khai báo doanh thu hoặc kê khai các khoản chi phí thực tế
không phát sinh làm giảm thu nhập chịu thuế;
- Không quyết toán hoặc không
khai báo lại với cơ quan thuế về hàng hoá, dịch vụ hoặc thu nhập đã được miễn,
giảm thuế, hoàn thuế nhưng thực tế được sử dụng vào mục đích khác thuộc diện phải
truy nộp thuế.
b. Thực hiện các hành vi vi phạm
thuộc lĩnh vực kế toán dẫn đến khai man, trốn thuế, bao gồm:
- Sử dụng hoá đơn, chứng từ kế
toán không đúng quy định của Bộ Tài chính hoặc không được cơ quan có thẩm quyền
cho phép, kể cả việc gian lận nội dung kinh tế trên hoá đơn, chứng từ; sử dụng
hoá đơn, chứng từ giả hoặc hoá đơn, chứng từ hết thời hạn sử dụng; sử dụng mẫu
hoá đơn tự in chưa được Bộ Tài chính chấp thuận;
- Bán hàng hoá, dịch vụ mà không
lập hoá đơn, chứng từ (trừ trường hợp không phải lập hoá đơn theo chế độ quy định),
không ghi vào sổ kế toán bán hàng, không tính vào doanh thu kê khai nộp thuế.
- Mua, bán hoá đơn không đúng
quy định và lợi dụng các hoá đơn đó để kê khống chi phí thực tế không phát sinh
làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc gian lận, khai tăng số thuế được khấu
trừ, số thuế được hoàn;
- Làm mất hoá đơn hoặc mất chứng
từ kế toán nhưng không khai báo kịp thời cho cơ quan thuế và các cơ quan chức
năng theo quy định của Nhà nước và lợi dụng việc mất hoá đơn, chứng từ để trốn
thuế hoặc thông đồng với người khác trốn thuế.
Đối với các hành vi vi phạm nêu
tại các tiết a, b trên đây nếu bị phát hiện trước thời điểm phải nộp quyết toán
thuế hoặc phải nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật thì không áp dụng các mức
xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn mà áp dụng các mức phạt quy định
tại khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996.
c. Xin tạm nghỉ kinh doanh,
thông báo ngừng hoạt động để được miễn thuế, giảm thuế, không phải nộp thuế,
nhưng thực tế vẫn kinh doanh.
d. Truy thu thuế và áp dụng các
mức phạt tiền theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán
đối với các trường hợp sau đây nếu vi phạm lần đầu:
- Hạch toán, kê khai không đúng
doanh thu giữa các niên độ kế toán làm sai lệch thu nhập chịu thuế phải điều chỉnh
lại khi kiểm tra quyết toán thuế;
- Các khoản chi có đủ chứng từ hợp
lệ nhưng kê khai vượt mức khống chế tối đa theo quy định của pháp luật về thuế
thu nhập doanh nghiệp phải loại trừ ra khỏi chi phí hợp lý để xác định thu nhập
chịu thuế. Thí dụ: chi phí về quáng cáo, tiếp thị khuyến mại, tiếp tân, khánh
tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, vượt tỷ lệ khống chế tối đa;
- Kê khai trong chi phí tính thuế
các khoản không được phép tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế
được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành Luật
thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Các khoản chi phí về khấu hao
tài sản cố định, trích trước, dự phòng, chi phí chờ phân bổ hạch toán không
chính xác trong chi phí hợp lý do các sai phạm về kỹ thuật kế toán được điều chỉnh
lại khi kiểm tra quyết toán thuế;
- Các trường hợp nộp thuế theo phương
pháp ấn định hoặc theo mức khoán của cơ quan thuế, phải điều chỉnh lại mức thuế
phải nộp phát hiện qua kiểm tra.
Các trường hợp vi phạm nêu tại
tiết đ, nếu xảy ra từ lần thứ 2 trở đi thì bị xử phạt về hành vi khai man, trốn
thuế theo hướng dẫn tại điểm 2.1 này.
2.2. Phạt bằng 2 lần số tiền thuế
trốn, nếu có tình tiết tăng nặng (trừ trường hợp đã bị xử lý về hành vi khai
man, trốn thuế mà còn vi phạm) thì bị phạt đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với
hành vi vi phạm sau:
a. Hàng hoá vận chuyển không có đầy
đủ hồ sơ chứng minh hàng đã nộp thuế hoặc hàng đã được cơ quan thuế quản lý
theo quy định cho từng đối tượng kinh doanh.
Hành vi vi phạm nêu tại điểm này
chỉ coi là hành vi khai man, trốn thuế nếu sau thời hạn tối đa là 10 ngày làm
việc kể từ ngày cơ quan thuế kiểm tra thấy còn nghi vấn và cho phép đối tượng
có hành vi vi phạm thu thập đầy đủ hồ sơ hợp lệ chứng minh lô hàng đã nộp thuế
đối với hàng hoá mua, bán, trao đổi) hoặc đã được cơ quan thu thuế quản lý (đối
với hàng hoá chuyển kho trong cùng một đơn vị) nhưng đối tượng vi phạm vẫn
không xuất trình đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp trong thời hạn cơ
quan thuế cho phép, đối tượng vi phạm đã trình đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan
thuế có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt theo các mức nêu tại tiết
1.2.b, điểm 1, Mục I của Thông tư này.
Trường hợp chủ hàng không chấp
hành quyết định xử lý của cơ quan thuế hoặc quá thời hạn 01 ngày (một ngày) đối
với hàng thực phẩm tươi sống, 05 ngày (năm ngày) đối với các hàng hoá khác kể từ
khi có quyết định xử lý mà chủ hàng không đến nộp thuế, nộp phạt để nhận lại
hàng, cơ quan thuế chuyển sang cơ quan tài chính đồng cấp, từ cấp huyện trở lên
để thành lập hội đồng bán đấu giá số hàng hoá tạm giữ để thực hiện cưỡng chế
thuế.
b. Kinh doanh mà không đăng ký nộp
thuế, không kê khai nộp thuế với cơ quan thuế theo quy định tại các văn bản quy
phạm pháp luật hiện hành về thuế (trừ trường hợp đăng ký, kê khai quá thời hạn
nêu tại tiết 1.1.a và tiết 1.2.a, điểm 1, Mục I của Thông tư
này).
c. Các hành vi giả mạo trong kế
toán dẫn đến khai man, trốn thuế, bao gồm:
- Giả mạo chứng từ kế toán, sổ kế
toán; lập chứng từ khống; lập chứng từ sai với nội dung nghiệp vụ kinh tế phát
sinh; giả mạo chữ ký, con dấu; ghi sổ khống không có chứng từ kế toán chứng
minh; lập hai hệ thống sổ kế toán có nội dung ghi khác nhau;
- Khai man số liệu và báo cáo số
liệu kế toán sai sự thật; lập báo cáo tài chính không đúng với sổ kế toán hoặc
sai với thực tế.
2.3. Trường hợp tổ chức, cá nhân
có hành vi vi phạm nêu tại các điểm 2.1, 2.2 trên đây mà các hình thức và mức xử
phạt đối với các hành vi này đã được quy định tại các Luật thuế, Pháp lệnh thuế
và pháp luật về các khoản thu nộp khác của ngân sách Nhà nước thì sẽ bị áp dụng
các hình thức và mức xử phạt mà các Luật thuế, Pháp lệnh thuế và pháp luật về
các khoản thu nộp khác của ngân sách Nhà nước đã có quy định.
2.4. Trường hợp tổ chức, cá nhân
có một hành vi vi phạm pháp luật đồng thời được quy định ở nhiều văn bản quy phạm
pháp luật khác nhau nhưng hậu quả dẫn đến khai man, trốn thuế thì ngoài việc bị
truy thu đủ số thuế trốn còn bị xử phạt vi phạm về hành vi khai man, trốn thuế.
Nghiêm cấm việc chuyển sang áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt thấp hơn.
Thí dụ: Công ty A giả mạo một
hoá đơn để trốn thuế (để được khấu trừ thuế đầu vào), hành vi của Công ty A
không có tình tiết tăng nặng. Trong trường hợp này Công ty A phải bị truy thu đủ
số tiền thuế đã khấu trừ, đồng thời bị xử phạt về hành vi khai man, trốn thuế
theo số lần tính trên số tiền thuế trốn.
Công ty A không bị xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực kế toán về hành vi giả mạo chứng từ kế toán theo hướng
dẫn tại điểm 3, Mục II của Thông tư số 89/2000/TT-BTC ngày 28/8/2000 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/1999/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
2.5. Trường hợp khai man, trốn
thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai
man, trốn thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì cơ
quan thu thuế chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
III. Sửa đổi,
bổ sung một số nội dung tại điểm 1, Mục III của Thông tư số 128/1998/TT-BTC như
sau:
1. Bỏ nội dung tiết 1.1,
điểm 1, Mục III của Thông tư số 128/1998/IT-BTC về thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực thuế của cán bộ thuế, trạm trưởng trạm thuế, đội trưởng
đội thuế.
2. Bỏ đoạn: "Đội trưởng các
đội thuế xã, phường (liên xã, liên phường) được thành lập theo Thông tư số 64
TC/TCCB ngày 29/10/1992 của Bộ Tài chính cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực thuế như trạm trưởng trạm thuế theo quy định tại khoản
1 Điều 7 Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996." tại tiết 1.3, điểm 1, Mục III
của Thông tư số 128/1998/ TT-BTC.
3. Chuyển các tiết 1.2 và tiết
1.3, điểm 1, Mục III của Thông tư số 128/1998/TT-BTC thành các tiết 1.1 và tiết
1.2 mới, đồng thời bổ sung thêm tiết 1.3 mới vào điểm 1, Mục III của Thông tư số
128/1998/TT-BTC như sau:
"1.3. Việc phân định quyền
hạn xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán dẫn đến
khai man, trốn thuế được thực hiện như sau:
Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán hoặc có chức năng thực hiện
thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực kế toán dẫn
đến khai man, trốn thuế như hướng dẫn tại Mục II của Thông tư này thì phải chuyển
hồ sơ cho cơ quan thuế địa phương để xử lý theo các mức xử phạt đối với hành vi
khai man, trốn thuế."
IV. Tổ chức
thực hiện:
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các hướng dẫn khác tại Thông tư số
128/1998/TT-BTC ngày 22 tháng 9 năm 1998 của Bộ Tài chính không trái với các nội
dung hướng dẫn tại Thông tư này thì vẫn còn hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.