Thông tư 89/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 49/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 89/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 28/08/2000
Ngày có hiệu lực 23/07/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 89/2000/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 08 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 49/1999/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN

Thi hành Nghị định số 49/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là những hành vi của cá nhân hoặc tổ chức đã cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về kế toán nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật, phải bị xử phạt hành chính. Tuỳ theo mức độ hành vi vi phạm và thiệt hại do hành vi đó gây ra để xử phạt hành chính, kể cả hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khác xét thấy cần thiết.

2- Đối tượng xử phạt và phạm vi áp dụng

a- Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra trong lĩnh vực kế toán và phải bị xử phạt theo qui định tại Nghị định 49/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b- Các đơn vị, tổ chức trong hệ thống thu, chi ngân sách Nhà nước và kinh phí đoàn thể; các tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể (dưới đây gọi tắt là tổ chức) phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do tổ chức mình gây ra trong lĩnh vực kế toán và phải bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 49/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

c- Cá nhân và tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc đối tượng phải thực hiện công tác kế toán theo luật định của Việt Nam, nếu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán quy định tại Chương II Nghị định 49/1999/NĐ-CP thì bị xử phạt như đối với công dân, tổ chức Việt Nam đã nêu trên. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo điều ước đã ký.

3 - Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán

Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền xử phạt theo hướng dẫn tại Phần III của Thông tư này, theo nguyên tắc:

a- Hành vi vi phạm do cá nhân gây ra thì xử phạt cá nhân;

b- Hành vi vi phạm do tổ chức gây ra thì xử phạt tổ chức.

Tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt, đồng thời tiến hành xác định lỗi của từng cá nhân trực tiếp gây ra vi phạm hành chính đó để xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất.

c- Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán chỉ bị xử phạt một lần; mỗi tổ chức hoặc cá nhân có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nhiều cá nhân cùng có một hành vi vi phạm hành chính thì từng cá nhân vi phạm đều bị xử phạt;

d- Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán khi phát hiện phải bị đình chỉ ngay và phải được xử lý công minh kịp thời, đúng thủ tục và nguyên tắc xử phạt đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả thích hợp;

e- Không xử phạt hành chính trong các trường hợp: Người vi phạm được giám định pháp y xác định là mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận biết, không tự điều chỉnh được hành vi của mình trong thời gian xảy ra vi phạm.

4 - Thời hiệu xử phạt

a- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 2 năm kể từ ngày vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được thực hiện;

b- Trường hợp vi phạm bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án của các cấp có thẩm quyền, thì bị xử phạt hành chính đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán đối với những trường hợp trên là 3 tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án;

c- Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức tiếp tục có hành vi vi phạm trong thời hiệu xử phạt hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu xử phạt trên.

5 - Trường hợp không xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán

a- Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nếu quá thời hiệu quy định tại Mục 4 - Phần I - Thông tư này mới phát hiện ra hành vi vi phạm;

b- Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán có dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật, mà cơ quan chính quyền địa phương hoặc cơ quan thanh tra tài chính đã chuyển hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền giải quyết;

c- Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nếu dẫn đến việc trốn, lậu thuế thì phải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo quy định hiện hành;

d- Người vi phạm là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh cá biệt khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng tự điều chỉnh hành vi của mình;

e- Công dân chưa đủ 18 tuổi, nếu có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thì áp dụng xử phạt theo Điều 6 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06/07/1995;

[...]