Thông tư 2520-BYT/CB năm 1958 thi hành chế độ thu viện phí theo thực chi năm 1958 do Bộ Y Tế ban hành.

Số hiệu 2520-BYT/CB
Ngày ban hành 17/04/1958
Ngày có hiệu lực 02/05/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Hoàng Tích Trí
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2520-BYT/CB

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ THU VIỆN PHÍ THEO THỰC CHI NĂM 1958

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Kính gửi:

- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Các Khu, Sở, Ty Y tế
- Các Ban Giám đốc, Quản đốc bệnh viện trung ương và tỉnh

 

Từ khi ban hành thông tư Liên bộ Y tế, Tài chính số 49-TT-LB/CB ngày 14-11-1957 về việc thu viện phí theo thực chi tiền thuốc đến nay đã đúng 3 tháng. Báo cáo công tác thí điểm ở bệnh viện Hà đông đã được bổ sung kèm theo công văn số 1328-BYT/CB ngày 28-2-1958. Một số địa phương đã thi hành việc thu viện phí.

Nay Bộ nhắc các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố, các Khu, Sở, Ty Y tế, các Ban Giám đốc, Quản đốc bệnh viện trung ương và địa phương;

1) Về ngày thi hành thu viện phí theo thực chi

Để thống nhất chế độ trong toàn miền Bắc, nơi nào chưa áp dụng thu viện phí theo thực chi trong cán bộ và nhân dân cần gấp rút chuẩn bị để thi hành đúng theo tinh thần thông tư số 49 kể từ ngày 1-6-1958.

Cụ thể công việc làm:

a) Ủy ban Hành chính nghiên cứu tình hình địa phương mà tổ chức, lãnh đạo học tập chủ trương trong nhân dân, cán bộ, quy định cụ thể thể thức giới thiệu bệnh nhân, nhận xét khả năng và tài chính của bệnh nhân để định mức đài thọ, và giao trách nhiệm cho huyện, xã, khu phố thi hành. Bệnh viện chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu mà đòi viện phí, chứ không quyết định mức đài thọ như trước đây.

b) Các Khu, Sở, Ty Y tế cùng Ban Giám đốc, Ban Quản đốc bệnh việc trực tiếp tổ chức học tập trong bệnh viện, sửa đổi bộ máy để bảo đảm thực hiện chủ trương: kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế, đưa người về sản xuất.

c) Các nợ cũ về viện phí trong năm 1956-57 phải thanh toán dứt khoát. Nếu gặp khó khăn thì nộp bộ hồ sơ nợ về Bộ Tài chính đề nghị giải quyết; bản sao gửi Bộ Y tế biết. Việc kiểm kê kho thuốc phải hoàn thành, rành mạch để làm cơ sở cho quỹ luân lưu năm 1958. Các khó khăn về thuốc hư hỏng, giá cả...chưa giải quyết được phải báo cáo về Bộ để có ý kiến.

2) Vài chi tiết thi hành trong chủ trương

a) Việc đài thọ tiền ăn, tiền thuốc cho nhân dân nghèo và ít khả năng là do Ủy ban Hành chính đảm nhận (quỹ cứu tế xã hội) căn cứ vào bệnh trạng và khả năng kinh tế từng người mà giải quyết không cố định máy móc trong 20% số giường nhân dân như vừa đây một số tỉnh đã quy định cho bệnh viện. Do đó, Ủy ban Hành chính cần đặc biệt lưu ý về thể thức giới thiệu bệnh nhân cho chặt chẽ.

Bệnh viện không giữ quỹ cứu tế xã hội để thanh toán cho bệnh nhân nghèo, mà chỉ giữ quỹ luân lưu theo tinh thần thông tư số 33-TC/TT/TT. Các khoản thực chi cho bệnh nhân nhân dân, bệnh viện kê vào hóa đơn mà thanh toán với Ủy ban Hành chính hàng tháng.

b) Chính sách đối với thương binh và quân nhân phục viên: như thông tư số 44-TT/TB3 ngày 24-5-1956 của Liên bộ Y tế - Tài chính – Thương binh, mức ăn là 500đ ở địa phương, 600đ ở bệnh viện trung ương, và bồi dưỡng từ 400đ đến 600đ mỗi ngày khi nào xét thật cần thiết.

Việc thanh toán viện phí đối với con cán bộ có hưởng phụ cấp: theo như tinh thần thông tư số 1100-TC/HCP ngày 26-10-1956 bố mẹ phải trả tiền ăn bằng 2/3 phụ cấp được hưởng cho con, còn 1/3 tiền ăn và thực chi tiền thuốc tạm thời do bệnh viện đài thọ vào mục 7 xã hội phí.

Đối với con của quân nhân tại ngũ sẽ có văn bản riêng do Bộ Quốc phòng quy định.

Vợ cán bộ không có công tác giải quyết theo thể thức như nhân dân từng địa phương.

Đối với bệnh nhân nhân dân dân tộc miền núi ( Khu Tự trị Thái-mèo, Khu Việt bắc, Khu Lao – Hà-Yên) chưa đặt vấn đề thu viện phí (cán bộ vẫn phải thu).

Khi nào có thay đổi chính sách, sẽ ban hành sau.

c) Các khoản chi ở bệnh việc không thu viện phí: đã nêu trong công văn giải thích số 10.776-BYT/CB ngày 12-12-1957 và trong báo cáo thí điểm Hà đông theo công văn số 1328-BYT/CB ngày 28-12-1958.

Số tiền chênh lệch thất thu về tiền ăn, tiền thuốc...từ đầu năm 1958 đến ngày ban hành thu viện phí theo thực chi sẽ do công quỹ đài thọ qua ngân sách của các bệnh viện.

Bộ đề nghị các cấp chú ý thi hành và báo cáo kết quả về Bộ rõ.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Hoàng Tích Trí

 

 

[...]