Thông tư 10776-BYT/CB năm 1958 hướng dẫn thi hành thông tư Liên bộ 49-TTLB/CB về việc thu viện phí do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 10776-BYT/CB
Ngày ban hành 12/12/1957
Ngày có hiệu lực 27/12/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Văn Tín
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10776-BYT/CB

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ LIÊN BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH SỐ 49-TTLB/CB NGÀY 14-11-1957 VỀ VIỆC THU VIỆN PHÍ

Kính gửi:

- Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu, thành, tỉnh
- Giám đốc Khu, Sở, Y tế, các cơ quan trực thuộc  Bộ y tế Giám đốc Sở Y tế Xí nghiệp than Hòn Gay.
- Trưởng ty y tế các tỉnh.
- Quản đốc bệnh viện Bộ Kiến trúc Thủy lợi, Bệnh viện Tổng cục Đường sắt

 

Liên bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành thông tư số 49-TTLB/CB ngày 14-11-1957 về việc thu viện phí tại các cơ sở điều trị của Chính phủ. Sau khi thỏa thuận cùng Bộ Tài chính, Bộ xin giải thích thêm để việc thi hành được thống nhất và đúng đắn.

I. – Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH THU VIỆN PHÍ

Chúng ta cần nhận định rằng bệnh viện không phải là một cơ quan kinh doanh, mà là một hoạt động xã hội của Chính phủ. Nội như vậy không có nghĩa là bệnh viện một muốn chi bao nhiêu thì chi, mà phải sử dụng tiền của Chính phủ cho hợp lý, tránh lãng phí.

Thu viện phí nhằm mục đích:

a) Đề cao trách nhiệm của bệnh viện trong việc quản lý chi tiêu, cũng như trong việc chữa bệnh.

b) Đề cao tránh nhiệm của các cơ quan phụ trách trong việc giới thiệu bệnh nhân đi nằm bệnh viện.

c) Để các bệnh nhân theo khả năng của mình đóng góp một phần vào chi phí hoạt động có tính chất xã hội của Nhà nước mà trực tiếp mình được hưởng.

Thu viện phí không có tính cách tính lãi, vì chúng ta chỉ thu tiền ăn và tiền thuốc, còn những chi phí khác khá lớn của bệnh viện như chi về nhân viên, hao mòn dụng cụ, điện nước, v.v... vẫn do Chính phủ đài thọ.

Thu viện phí không có nghĩa là bất cứ ai cũng thu, mà có phân biêt người có khả năng thì thu, người không có khả năng thì Nhà nước vẫn trợ cấp. Vậy chúng ta cần giải thích cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của việc thu viện phí. Đồng thời chúng ta cần tránh hai tư tưởng: một là tài chính đơn thuần, chỉ nghĩ đến việc thu được càng nhiều càng tốt, thậm chí có khi mặc cả với bệnh nhân, bệnh nhân có thể trả được nhiều tiền thì được những thứ thuốc đắt tiền, như vậy là gây trở ngại cho việc chữa bệnh, gây phiền phức cho nhân dân, hai là tư tưởng ngại khó trong việc tiến hành thu viện phí, không tích cực cố gắng thu tiền của những cơ quan, của những người có khả năng đóng góp phần của mình cho Chính phủ.

II. - GIỚI THIỆU BỆNH NHÂN

1) Đối với nhân dân cần đi nằm bệnh viện, bệnh xá: Ủy ban Hành chính thành phố, Ủy ban Hành chính tỉnh sẽ cùng Ty Y tế quy định cụ thể thể thức giới thiệu, các cấp nào được giới thiệu, điều kiện đài thọ viện phí theo thông tư số 49-TTLB/CB ngày 14-11-1957 thể thức thanh toán trên tinh thần không làm phiền phức cho nhân dân.

2) Đối với cán bộ, công nhân viên đi nằm bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng trung ương và khu: Các cơ quan gửi bệnh nhân đi nằm điều trị phải theo mẫu kèm theo đây của Bộ Y tế. Giấy giới thiệu làm thành ba bản: một lưu cơ quan để theo dõi, làm dự trù, hai bản đưa tới cơ quan điều trị. Cơ quan điều trị sẽ giữ một bản lưu hồ sơ, một bản gửi trả cơ quan giới thiệu bệnh nhân, khi bệnh nhân ra viện, kèm theo các bản chi tiết về tiền ăn, bồi dưỡng, thuốc để đòi tiền của cơ quan.

III. - THỂ THỨC THANH TOÁN

1) Nếu cán bộ, công nhân viên vào viện ít ngày rồi ra viện, thì cơ quan gửi bệnh nhân phải thanh toán ngay trong tháng. Nếu bệnh nhân ốm nằm nhiều tháng, thì cơ quan phải thanh toán hàng tháng theo bảng kê của bệnh viện, và cuối cùng khi bệnh nhân ra viện, cơ quan sẽ thanh toán nốt với bệnh viện trong tháng ấy (chứ không đợi ra viện rồi mới thanh toán gộp làm một lần như trước nữa).

Nếu bệnh viện đòi tiền cơ quan có cán bộ ốm đi nằm bệnh viện hai lần mà cơ quan không trả, thì bệnh viện sẽ đề nghị với cơ quan tài chính trừ vào kinh phí cơ quan đó.

2) Cơ quan địa phương giới thiệu bệnh nhân nghèo đến điều trị tại một bệnh viện trung ương sẽ có trách nhiệm thanh toán viện phí với bệnh viện của bệnh nhân ấy.

3) Các trường hợp đặc biệt vì bệnh cấp cứu, bệnh quá nặng mà bệnh nhân không kịp lấy giấy tờ và phải vào bệnh viện, bệnh xá, thì bệnh viện, bệnh xá cũng phải nhận ngay để cấp cứu, rồi giải quyết giấy tờ sau. Bệnh viện phải tạm ứng tiền ăn, tiền thuốc, và tiền bồi dưỡng nếu cần, nhưng sau đó bệnh viện, bệnh xá chú ý đòi hỏi bệnh nhân phải có các giấy tờ cần thiết mà địa phương đã quy định. Trường hợp chung, dân ở tỉnh nào phải điều trị ở bệnh viện, bệnh xá tỉnh ấy; chỉ trừ những trường hợp khó mới giải quyết ở các bệnh viện trung ương.

4) Các trẻ em dưới 15 tuổi vào viện đều phải trả tiền ăn bằng xuất của người lớn; nhưng bệnh viện cần nghiên cứu một chế độ ăn cho thích hợp với số tiền và bệnh tình của các em.

IV. – THANH TOÁN TIỀN THUỐC THEO THỰC CHI

1) Phải tiến tới thanh toán thuốc theo thực chi. Nhưng vì đây là một công việc mới và phức tạp, nên Bộ sẽ thí điểm trong một bệnh viện rút kinh nghiệm và sẽ hướng dẫn các địa phương. Lúc đó tất cả các nơi sẽ áp dụng thanh toán thuốc theo thực chi. Trong khi chờ đợi làm xong thí điểm, ngay từ 01-01-1958 các bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng vẫn thu viện phí theo thể thức cũ, nghĩa là:

- Thu của cán bộ, công nhân viên tiền ăn, tiền bồi dưỡng và tiền thuốc đồng loạt theo tiêu chuẩn thuốc mỗi ngày mỗi giường cho mỗi loại bệnh viện, bệnh xá, viện điều dưỡng (800đ – 700đ – 600đ – 400 đ, v.v...)

- Thu tiền ăn của số nhân dân có khả năng trả tiền ăn.

- Thu tiền ăn, tiền bồi dưỡng (nếu có) và tiền thuốc đồng loạt như trên của số nhân dân có khả năng tự túc toàn phần.

2) Phạm vi thi hành: Chế độ thu viện phí chưa thi hành trong những trường hợp sau đây:

[...]