Không đáp ứng các điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà vẫn cố ý kinh doanh sẽ bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Để kinh doanh dịch vụ các loại hình lưu trú du lịch thì cần đáp ứng các điều kiện chung gì? Nếu không đáp ứng các điều kiện mà vẫn cố ý kinh doanh bị phạt hành chính bao nhiêu?

Nội dung chính

    Để kinh doanh dịch vụ các loại hình lưu trú du lịch thì cần đáp ứng các điều kiện chung gì?

    Để kinh doanh dịch vụ các loại hình lưu trú du lịch thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Du lịch 2017 như sau:

    Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
    1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:
    a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
    b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
    c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

    Như vậy, để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch thì cần đáp ứng các điều kiện trên.

    Nếu không đáp ứng các điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà vẫn cố ý kinh doanh sẽ bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 45/2019/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về việc kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:

    Vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
    6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi đã thông báo tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động;
    b) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh.
    7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch.
    8. Quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
    9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này;
    b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này.

    Như vậy, nếu kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà không đáp ứng điều kiện: có đăng ký kinh doanh và điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

    Ngoài ra, người kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch còn bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

    Địa điểm lưu trú được quy định nêu trên cũng bao gồm cả nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

    Lưu ý: mức phạt tiền quy định nêu trên là áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP).

    Nếu không đáp ứng các điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà vẫn cố ý kinh doanh sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Nếu không đáp ứng các điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch mà vẫn cố ý kinh doanh sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Khi kinh doanh dịch vụ các loại hình lưu trú du lịch thì cần có trách nhiệm gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về trách nhiệm khi kinh doanh dịch vụ các loại hình lưu trú du lịch bao gồm:

    - Các trách nhiệm chung được quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP

    - Ban hành nội quy: Cơ sở cần xây dựng và công khai nội quy về các vấn đề như: an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy. Nội quy phải được niêm yết ở nơi dễ thấy và dễ đọc.

    - Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú: Cơ sở phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách khi nhận phòng, bao gồm một trong các loại giấy tờ sau:

    + Chứng minh nhân dân

    + Căn cước công dân

    + Hộ chiếu

    + Thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài)

    + Các giấy tờ có dán ảnh do cơ quan nhà nước cấp.

    Nếu khách không có giấy tờ tùy thân, sau khi bố trí phòng, cơ sở phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn, hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.

    - Ghi thông tin khách lưu trú: Trước khi cho khách vào phòng nghỉ, cơ sở phải ghi đầy đủ thông tin của khách vào sổ quản lý (hoặc nhập vào máy tính).

    - Thông báo cho Công an:

    + Đối với khách là người Việt Nam: Cơ sở phải thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn trước 23 giờ trong ngày về khách lưu trú. Nếu cơ sở có kết nối mạng Internet với Công an, việc thông báo có thể thực hiện qua mạng. Nếu không có Internet, thông báo phải thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại.

    + Đối với khách là người nước ngoài: Cơ sở phải khai báo tạm trú cho khách, điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến cơ quan Công an.

    Nếu khách đến sau 23 giờ, cơ sở phải thông báo cho Công an trước 08 giờ sáng ngày hôm sau.

    - Kiểm tra khách đến thăm: Cơ sở phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú, ghi thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ khi họ rời khỏi cơ sở.

    - Lưu trữ thông tin: Cơ sở phải lưu trữ thông tin của khách lưu trú và người đến thăm trong ít nhất 36 tháng.

    - Quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ: Nếu khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, cơ sở phải yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan Công an hoặc Quân đội cấp. Nếu khách không có giấy phép, cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan Công an.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    229
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ