Thông tư 25/2023/TT-BKHCN về Quy định quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 25/2023/TT-BKHCN
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/02/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Bùi Thế Duy
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2023/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình công nghệ cao).

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia triển khai, tổ chức thực hiện và quản lý Chương trình công nghệ cao.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chương trình thành phần thuộc Chương trình công nghệ cao (sau đây viết tắt là Chương trình thành phần) các chương trình được giao cho các Bộ chủ trì tổ chức xây dựng và triển khai, bao gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

2. Ban Chủ nhiệm Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Ban Chủ nhiệm Chương trình công nghệ cao) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập, có nhiệm vụ tư vấn triển khai các hoạt động của Chương trình công nghệ cao.

3. Đơn vị quản lý chuyên môn là đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ phân công tổ chức triển khai các nội dung chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ theo đúng mục tiêu, nội dung và sản phẩm của Chương trình công nghệ cao được cụ thể hóa tại các khung chương trình thành phần thuộc Chương trình công nghệ cao đã được các Bộ phê duyệt.

4. Đơn vị quản lý kinh phí là đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ phân công quản lý việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và thực hiện các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước để thực hiện các mục tiêu, nội dung và sản phẩm của Chương trình công nghệ cao.

Điều 3. Nhiệm vụ thuộc Chương trình công nghệ cao

Nhiệm vụ thuộc Chương trình công nghệ cao bao gồm:

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (sau đây viết tắt là nhiệm vụ KH&CN) triển khai theo các hình thức dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khoa học và công nghệ, gồm:

- Thực hiện nghiên cứu làm chủ, phát triển công nghệ cao, hoàn thiện công nghệ cao, sản xuất thử nghiệm và đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao với quy mô công nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; nghiên cứu giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao với quy mô công nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;

- Thực hiện nghiên cứu làm chủ công nghệ nhập khẩu, công nghệ được chuyển giao thích nghi với điều kiện sản xuất ở Việt Nam, triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao ở quy mô nhỏ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trên cơ sở nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao hoặc chuyển giao công nghệ.

2. Các hoạt động chung của Chương trình công nghệ cao, gồm: hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao thông qua việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tại các Chương trình, Đề án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Nguyên tắc chung lựa chọn nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình công nghệ cao

1. Công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được phát triển, tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN phải đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

[...]