Thông tư 242/TCHQ-PC-1997 hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP-1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng Cục Hải Quan ban hành

Số hiệu 242/TCHQ-PC
Ngày ban hành 14/10/1997
Ngày có hiệu lực 29/10/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

TỔNG CỤC HẢI QUAN
*******

Số :  242/TCHQ-PC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

******

Hà nội, ngày 14 tháng 10 năm 1997

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/CP NGÀY 20/3/1996 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

Thực hiện khoản 2 Điều 35 Nghị định 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996 của Chính phủ Quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý, hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

2- Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 16/CP được hiểu như sau:

a/ Tổ chức gồm: Cơ quan Nhà nước, Tổ chức kinh tế, Tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật Việt nam;

b/ Cá nhân gồm: Người Việt nam, người nước ngoài, người không quốc tịch có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt nam;

c/ Cá nhân, Tổ chức Việt nam và nước ngoài có hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan, đều phải chịu trách nhiệm hành chính về hải quan theo quy định tại Nghị định 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996, và quy định về xử phạt của cơ quan Hải quan tại các Nghị định 88/CP ngày 14/12/195; Nghị định 01/CP ngày 3/1/1996; Nghị định 22/CP ngày 17/4/1996; Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996; Nghị định 18/CP ngày 24/2/1997; Nghị định 57/CP ngày 31/5/1997 v.v..  trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia, hoặc ký kết có quy định khác.

3- Chỉ những người và cơ quan được quy định tại Điều 16 và khoản 1, 3, 4 Điều 17 Nghị định 16/CP mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

4- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan bao gồm: người vận chuyển, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đứng tên trên tờ khai hải quan, người kinh doanh kho ngoại quan, khi thực hiện vi phạm hành chính về hải quan; người mua bán, chứa chấp, vận chuyển  hàng hoá, vật phẩm có nguồn gốc xuất nhập khẩu trái  phép; người mua bán không đúng quy định hàng hoá thuộc đối tượng ưu đãi thuế quan; người có hành vi cản trở, xúc phạm nhân viên hải quan thi hành công vụ, khi có hành vi cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy định quản lý Nhà nước về Hải quan.

5- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người, trong cùng một thời điểm có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm. Trong trường hợp các hành vi vi phạm nói tại điểm này đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một người thì ra một Quyết định xử phạt chung, nhưng phải ghi rõ mức phạt đối với từng hành vi. Nếu một trong các hành vi vi phạm trên không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật lên cấp có thẩm quyền xử phạt.

Trong trường hợp nhiều người cùng thực hiện một vi phạm hành chính về hải quan thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

 Đối với hành vi sửa đổi tên người nhận hàng trong vận đơn hoặc lược khai hàng hoá; điều chỉnh số lượng, trọng lượng, tên hàng hoá, vật phẩm trên lược khai sau khi phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh thì xử phạt theo quy định tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều 12 Nghị định 16/CP; không xem xét trách nhiệm hành chính đối với những phát sinh từ hành vi vi phạm ban đầu. Điều kiện sửa đổi phải theo đúng quy định tại điểm 10.a Phần II Thông tư này.

6- Đối với các vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự thì trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và chỉ ra Quyết định xử phạt hành chính khi đã có ý kiến bằng văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân.

7- Hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu là tang vật vi phạm hành chính thuộc đối tượng chịu thuế thì ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế khác và lệ phí hải  quan theo quy định của pháp luật.

8- Khi thực hiện Điều 3 Nghị định 16/CP, Hải quan có trách nhiệm thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến các vụ vi phạm hành chính về hải quan để làm cơ sở ra Quyết định xử phạt được kịp thời, chính xác; không được sử dụng các tài liệu, thông tin thu thập trên vào mục đích khác, hoặc làm trở ngại đến sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức vi phạm.

9- Những hành vi vi phạm hành chính về hải quan quy định tại Nghị định 16/CP trùng với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các Nghị định khác ban hành sau Nghị định 16/CP, có xác định thẩm quyền xử phạt của Hải quan thì xử phạt theo quy định tại văn bản được ban hành sau cùng.

Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới có cùng giá trị pháp lý quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi vi phạm hành chính về hải quan xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

10- a/ Đối với những vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan như quy định tại Điều 8, các điểm a, b, d, e khoản 3; d, e, k khoản 6 Điều 12 Nghị định 16/CP thì cơ quan nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, cơ quan đó ra Quyết định xử phạt;

b/ Những  hành vi gian lận thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Thông tư số 06/TTLN ngày 20 tháng 9 năm 1996 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao- Toà án tối cao- Bộ Nội vụ do cơ quan khác không có thẩm quyền xử phạt phát hiện được thì chuyển giao hồ sơ, tang vật để cơ quan Hải quan ra Quyết định xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

c/ Đối với những vụ vi phạm pháp luật hải quan đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi chuyển giao hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời chuyển vật chứng để cơ quan đó bảo quản theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo khác.

d/ Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan thì đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, đơn vị đó ra Quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị có thẩm quyền xử phạt; khi có ý kiến khác nhau trong việc xử phạt thì phải báo cáo xin ý kiến của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan

11- Trong Thông tư này, những cụm từ sau đây được hiểu như sau:

a/ " Khu vực biên giới": Bao gồm các xã và đơn vị hành chính tương đương của Việt nam có ranh giới là đường biên giới quốc gia chung với nước tiếp giáp.

b/ "Cư dân thường trú trong khu vực biên giới": Bao gồm những người có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới; cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới; những người có giấy phép của Công an tỉnh biên giới cho đến cư trú ở khu vực biên giới.

c/ " Bất khả kháng": Là sự kiện xảy ra bất ngờ (như thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, sự cố kỹ thuật, tình thế cấp thiết hoặc sự kiện bất ngờ khác) mà cá nhân, tổ chức không thực hiện được đầy đủ hoặc không thực hiện được nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật Việt nam hay Điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia hoặc ký kết.

d/ " Hàng hoá, vật phẩm": Là hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, ngoại hối, tiền Việt nam và những vật phẩm khác, gọi chung là "hàng hoá, vật phẩm" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 16/CP.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ