Nghị định 26-CP năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

Số hiệu 26-CP
Ngày ban hành 26/04/1996
Ngày có hiệu lực 26/04/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 26-CP NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1996 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

1. Mọi hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (dưới đây gọi là vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường) của các tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia  có quy định khác.

3. Mọi hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải được phát hiện kịp thời và bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, đúng pháp luật; mọi hậu quả về môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường phải căn cứ vào tính chất, mức độ, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 2.- Bồi thương thiệt hại về môi trường

Việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gây ra được tiến hành theo nguyên tắc thoả thuận giữa bên có hành vi gây ra thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Đối với những thiệt hại về vật chất do vi phạm hành chính và bảo vệ môi trường gây ra có giá trị đến 1.000.000 đồng mà không tự thoả thuận được thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định mức bồi thường, những thiệt hại có giá trị từ trên 1.000.000 đồng được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 3.- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên thì không xử phạt, nhưng có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và d thuộc khoản 3 của Điều 11 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án vi phạm Luật Bảo vệ môi trường ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu hành vi của cá nhân có dấu hiệu vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; thời hiệu xử phạt hành chính là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới về bảo vệ môi trường hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử lý thì thời hiệu xử phạt tính từ thời điểm thực hiện vi phạm mới hoặc từ thời điểm có hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử lý chấm dứt.

4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Điều 4.- Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường ở địa phương mình.

2. Chánh thanh tra và thanh tra viên về bảo vệ môi trường của các cơ quan: Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực cơ quan mình quản lý.

[...]