Thông tư 24/2009/TT-BNN hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 24/2009/TT-BNN
Ngày ban hành 05/05/2009
Ngày có hiệu lực 19/06/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 24/2009/TT-BNN

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHUYỂN ĐỔI RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG ĐẶC DỤNG ĐƯỢC QUY HOẠCH SANG RỪNG SẢN XUẤT VÀ NGƯỢC LẠI TỪ RỪNG SẢN XUẤT ĐƯỢC QUY HOẠCH THÀNH RỪNG PHÒNG HỘ, ĐẶC DỤNG SAU RÀ SOÁT QUY HOẠCH LẠI 3 LOẠI RỪNG THEO CHỈ THỊ SỐ 38/2005/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng;
Căn cứ Văn bản số 80/TTg-KTN ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là diện tích rừng chuyển đổi) như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được quy hoạch chuyển sang rừng sản xuất và ngược lại chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trình tự và thẩm quyền chuyển đổi; quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng trước và sau chuyển đổi.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các chủ rừng có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hoặc rừng sản xuất chuyển đổi, bao gồm cả diện tích rừng mới trồng và diện tích rừng đang khoanh nuôi tái sinh, được đầu tư từ các nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước hoặc có tính chất như ngân sách Nhà nước;

b) Các chủ rừng có rừng chuyển đổi do tự bỏ vốn ra đầu tư bảo vệ, trồng và chăm sóc thành rừng.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý trong quá trình chuyển đổi rừng

1. Tất cả diện tích rừng chuyển đổi nêu trên phải có chủ rừng quản lý cụ thể. Rừng chuyển đổi mục đích sử dụng (trong 3 loại rừng) có thể có hoặc không thay đổi chủ rừng.

Các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chuyển đổi, nếu không có yêu cầu giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thì tiếp tục quản lý diện tích rừng đó theo quy chế quản lý rừng tương ứng.

Các ban quản lý dự án 661 đang quản lý diện tích rừng chuyển đổi phải giao lại rừng cho các tổ chức quản lý rừng, các hộ gia đình, cá nhân.. trên cơ sở đề án giao rừng cụ thể của UBND cấp tỉnh và phương án giao rừng cụ thể của UBND cấp huyện và xã; các đề án, phương án giao rừng phải được công khai, ưu tiên cho các cộng đồng, các hộ gia đình đang sinh sống tại địa phương, các hộ gia đình đã được giao hoặc có các hợp đồng nhận khoán (trồng và bảo vệ rừng) trên diện tích rừng chuyển đổi.

2. Đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và chủ rừng, giữa Nhà nước và người dân đã nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trước đó; giữa Nhà nước và các đối tượng khác bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc rừng sản xuất mà nay chuyển đổi.

3. Thủ tục phải đơn giản nhưng chặt chẽ, phù hợp với thực tế của từng địa phương, đảm bảo việc bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng theo Quy chế quản lý rừng ban hành theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định 186/2006/QĐ-TTg).

4. Vốn và các nguồn vốn đầu tư cho rừng chuyển đổi phải được kiểm tra chặt chẽ, bàn giao và xử lý sau khi chuyển đổi theo quy định.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối tượng rừng chuyển đổi

1. Rừng phòng hộ, đặc dụng chuyển sang rừng sản xuất, trong đó:

a) Rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ,

b) Rừng tự nhiên giao khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên;

c) Rừng tự nhiên giao khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung;

d) Rừng trồng chưa hết thời gian chăm sóc;

e) Rừng trồng đã hết thời gian chăm sóc.

[...]