Thông tư 22-NV-1964 hướng dẫn công tác tổ chức, quản lý các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 022-NV
Ngày ban hành 19/09/1964
Ngày có hiệu lực 04/10/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Ung Văn Khiêm
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 022-NV

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ, TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG VÀ TIỀN TUẤT ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Thi hành Quyết định số 31-CP  ngày 20-3-1963 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động phải thôi việc và tiền tuất đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Bộ Nội vụ và Tổng công đoàn đã tiến hành việc bàn giao các công tác nói trên và đã có thông tư liên Bộ số 13-NV ngày 23-4-1964 hướng dẫn các Ủy ban hành chính và Liên hiệp công đoàn địa phương tiến hành việc bàn giao ở địa phương, và kể từ 01-7-1964, Ủy ban hành chính cũng như Liên hiệp công đoàn đã phụ trách các nhiệm vụ mới được điều chỉnh.

Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ, Hội đồng Chính phủ cũng đã thông qua điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu và chết. Sau khi điều lệ đó được ban hành, Bộ Nội vụ cũng sẽ nhận trách nhiệm quản lý các chế độ hưu trí, thương tật, mất sức lao động và tiền tuất của quân nhân.

Ở trung ương, Bộ Nội vụ phụ trách công tác này trước Đảng và Chính phủ. Ở các địa phương, Bộ phân cấp cho các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.

Khối lượng công tác này sẽ càng ngày càng lớn. Việc quản lý lại yêu cầu phải chặt chẽ, việc cấp phát trợ cấp phải kịp thời, đến tận tay người được hưởng, phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng chính sách, nhưng thủ tục lại phải đơn giản, trách phiền phức cho quần chúng. Do đó, đòi hỏi các Ủy ban hành chính địa phương cần tăng cường chỉ đạo chặt chẽ, nhất là thời gian đầu, để tránh những thiếu sót có thể xẩy ra.

Để giúp các Ủy ban làm tốt công tác này, Bộ Nội vụ ra thông tư này hướng dẫn về nội dung công tác tổ chức, quản lý như sau:

I. NỘI DUNG CÔNG TÁC

Nội dung công tác tổ chức, quản lý các chế độ nói trên gồm có các việc sau đây:

1. Quản lý chính sách;

2. Quản lý hồ sơ, giấy tờ của người được hưởng trợ cấp, cấp phát các sổ trợ cấp và quản lý việc đăng ký người được hưởng trợ cấp;

3. Quản lý tài vụ;

4. Quản lý các sự nghiệp an dưỡng, dưỡng lão;

5. Theo dõi tình hình đời sống, tư tưởng của công nhân, viên chức đã về nghỉ việc

1. Quản lý các chính sách bảo hiểm xã hội (hưu trí, mất sức lao động, tuất)

Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh có trách nhiệm quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ nói trên, trong địa phương mình; bao gồm các việc:

- Tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách sâu rộng trong nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, uốn nắn những lệch lạc của các cơ sở trong việc thực hiện chính sách;

- Tập hợp những mắc mứu và phát hiện những điểm chưa hợp lý trong các chế độ để đề nghị Bộ Nội vụ giải thích hoặc bổ sung; tham gia ý kiến với Bộ trong việc nghiên cứu ban hành các chính sách mới.

Ủy ban cần chú ý tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai lệch ở cơ sở, cụ thể là:

Đối với công nhân, viên chức ở các cơ quan xí nghiệp địa phương, thuộc quyền quản lý của Ủy ban hành chính, thì Ủy ban có trách nhiệm:

- Hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp làm đầy đủ các thủ tục cần thiết cho công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động;

- Ra quyết định cho những người nói trên được về nghỉ việc và được hưởng trợ cấp như chế độ đã quy định;

- Căn cứ vào các văn bản đã ban hành, hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp giải quyết những mắc mứu, khó khăn. Nếu gặp những vấn đề chưa có quy định, thì cần báo cáo về Bộ Nội vụ góp ý kiến giải quyết;

- Giải quyết những đơn từ khiếu nại của công nhân, viên chức về các chế độ nói trên;

- Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp tích cực thi hành chính sách, đảm bảo cho công nhân, viên chức được về nghỉ ngơi và được hưởng đầy đủ các chế độ đã được Nhà nước quy định;

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách bảo hiểm xã hội trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và trong nhân dân để mọi người thấy rõ tính ưu việt của chế dộ ta mà đồng tình ủng hộ chính sách và góp phần thực hiện chính sách được tốt hơn nữa.

Đối với công nhân, viên chức thuộc các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, lâm trường, của trung ương đóng tại địa phương, Ủy ban hành chính không có trách nhiệm quản lý về nhân sự, nhưng căn cứ Nghị định số 94-CP ngày 27-8-1962 của Hội đồng Chính phủ về việc phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (điều 21 của bản quy định số 95-CP kèm theo Nghị định số 94-CP) thì Ủy ban vẫn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chính sách, chế độ lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội… trong các xí nghiệp, công trường của trung ương đóng ở địa phương mình. Do đó, đối với các chế độ hưu trí, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động và tiền tuất, Ủy ban vẫn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách cho các đơn vị của trung ương, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đó thi hành đúng chính sách tham gia ý kiến giải quyết những mắc mứu trong khi thi hành chính sách, cũng như đối với các cơ quan, xí nghiệp của địa phương. Còn việc ký quyết định cho công nhân, viên chức về hưu, thôi việc vì mất sức lao động là trách nhiệm của Bộ, ngành chủ quản hoặc của giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng công trường, nếu những đơn vị đó đã được Bộ, ngành chủ quản phân cấp quản lý công nhân, viên chức.

[...]