Thông tư 84-TTg năm 1963 áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 84-TTg
Ngày ban hành 20/08/1963
Ngày có hiệu lực 04/09/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HƯU TRÍ VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã quy định chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động áp dụng chung tất cả công nhân, viên chức Nhà nước. Nhưng hiện nay, trong đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước, có một số người đã hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 hoặc trong thời kỳ kháng chiến, đã chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ, do đó mà sức khỏe bị giảm sút một cách không bình thường. Đối với một số người này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi trong việc áp dụng chế độ trợ cấp hưu trí.

Ngoài ra, tình hình hiện nay cũng đòi hỏi Nhà nước cần quy định chế độ đãi ngộ thích hợp để giúp những công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động có thêm điều kiện cải thiện đời sống của mình.

Để đáp ứng những yêu cầu trên đây, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 1963 đã quyết định như sau:

Về chế độ trợ cấp hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước đã hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 hoặc trong thời kỳ kháng chiến.

Những điều kiện quy định dưới đây áp dụng đối với những công nhân, viên chức Nhà nước, kể cả quân nhân:

- đã tham gia hoạt động cách mạng trong một đoàn thể cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hoặc

- đã hoạt động trong thời kỳ kháng chiến, và được tặng thưởng huân chương hay huy chương Kháng chiến, huân chương hay huy chương Chiến thắng trong dịp khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

1. Những công nhân, viên chức trên đây, dù chưa có đủ điều kiện về tuổi như đã quy định trong “Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội”, nhưng đã có đủ 15 năm công tác liên tục và nay vì ốm đau, già yếu mà mất sức lao động, thì cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

2. Đối với công nhân, viên chức trên đây, việc định mức trợ cấp hưu trí nói chung vẫn căn cứ vào mức lương cao nhất mà họ đã hưởng trong thời gian 10 năm trước khi về hưu như đã quy định trong “Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt mà người công nhân, viên chức, vì sức khỏe kém sút, khả năng bị hạn chế, phải chuyển sang làm việc nhẹ, hưởng lương thấp (không kể trường hợp người công nhân, viên chức bị thi hành kỷ luật), thì khi cho người đó về hưu, Bộ Nội vụ và cơ quan sở quan, nếu xét thấy cần thiết, có thể căn cứ vào cống hiến của người đó cho cách mạng, cho kháng chiến mà định mức trợ cấp hưu trí cho thỏa đáng.

3. Đối với những công nhân, viên chức nói trên, việc định mức trợ cấp hưu trí cần căn cứ vào tất cả thời gian công tác của họ từ trước đến nay. Trong trường hợp quá trình hoạt động của người công nhân, viên chức có thời gian bị gián đoạn, thì chỉ thời gian này không được tính để hưởng trợ cấp hưu trí. Nhưng nếu trong thời gian công tác bị gián đoạn mà người công nhân, viên chức phạm sai lầm nghiêm trọng, thì tất cả thời gian hoạt động về trước của người đó đều không được tính để hưởng trợ cấp hưu trí.

Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn chi tiết việc thi hành những điều quy định trên đây.

Đối với những công nhân, viên chức Nhà nước hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 hoặc trong thời kỳ kháng chiến mà đã về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động theo “Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội”, nếu nay xét thấy mức trợ cấp quy định trước đây cho những người đó chưa thỏa đáng, thì cơ quan, xí nghiệp sở quan cùng Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào những điều quy định trên đây mà xét và điều chỉnh lại. Những người được điều chỉnh mức trợ cấp chỉ được hưởng theo mức mới kể từ ngày có quyết định điều chỉnh.

Về một số chế độ đãi ngộ cụ thể đối với công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động.

Công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động được bảo đảm quyền nghỉ ngơi và những điều kiện sinh hoạt bình thường. Ngoài chế độ trợ cấp của Nhà nước và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nơi người công nhân, viên chức về nghỉ, thì cơ quan, xí nghiệp và đoàn thể ở nơi họ công tác trước khi về hưu hoặc thôi việc cũng có trách nhiệm săn sóc, giúp đỡ.

Để giúp đỡ công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động khỏi có sự thay đổi đột ngột trong đời sống, nay quy định một số chế độ đãi ngộ cụ thể dưới đây:

1. Về nhà ở:

- Nói chung, công nhân, viên chức Nhà nước khi về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, thì tốt nhất nên về nghỉ ở nông thôn.

Đối với những người không có điều kiện về nghỉ ở nông thôn mà phải ở lại thành phố, thị xã, thì Ủy ban hành chính địa phương cần căn cứ vào khả năng thực tế về nhà cửa của địa phương và hoàn cảnh đời sống của mỗi người, mà tích cực giúp đỡ họ trong việc thuê nhà;

- Những công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động không có gia đình hoặc thân nhân (trường hợp cán bộ miền Nam tập kết) được Nhà nước thu nhận vào các nhà dưỡng lão hay nhà an dưỡng do Bộ Nội vụ quản lý. Trong khi chưa đủ nhà dưỡng lão, nhà an dưỡng thì cơ quan, xí nghiệp đã cho công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc cùng với Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm thu xếp nhà ở cho công nhân, viên chức đó;

- Những công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động muốn vay tiền để làm nhà, thì sẽ được xét cho vay như đối với công nhân, viên chức đang làm việc, và có sự chiếu cố thích đáng. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể thể thức cho công nhân, viên chức vay tiền làm nhà.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn một số nơi thích hợp, khí hậu tốt, có điều kiện để trồng trọt, chăn nuôi (tốt nhất là ở vùng trung du, ở gần các nông trường) để xây dựng các nhà dưỡng lão, nhà an dưỡng và để khuyến khích những người về hưu hoặc thôi việc về làm nhà ở ở những nơi đó;

- Trong khi chưa có chỗ ở, công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động vẫn được tạm ở trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp và được tiếp tục sử dụng những đồ dùng đã mượn của cơ quan, xí nghiệp. Về tiền nhà, tiền điện, tiền nước thì được trả theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Riêng những người hưởng mức trợ cấp thấp nhất (15 đồng đối với người thôi việc vì mất sức lao động, 22 đồng đối với người về hưu) thì được miễn trả những khoản tiền nói trên;

- Công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động có thể được cơ quan, xí nghiệp xét nhường lại, với giá thỏa đáng, những đồ dùng đang mượn của cơ quan, xí nghiệp theo tiêu chuẩn chung đã quy định như giường, tủ, bàn, ghế thường…

2. Về ăn, mặc:

Nếu hiện nay bản thân công nhân, viên chức Nhà nước và gia đình đang ăn tại các nhà ăn tập thể của xí nghiệp, cơ quan, thì khi về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, những người này vẫn được ăn tại đó và cơ quan, xí nghiệp vẫn dự trù kinh phí cho nhà ăn như trước.

Công nhân, viên chức Nhà nước về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động, dù ở thành thị hay nông thôn, đều được cấp phiếu mua gạo, phiếu mua vải theo tiêu chuẩn như cán bộ, nhân viên đang làm việc, và tùy tình hình tổ chức cung cấp ở mỗi nơi mà được cấp phiếu mua đường, phiếu mua thực phẩm (thịt) theo tiêu chuẩn như trước khi họ về hưu hoặc thôi việc.

[...]