Thông tư 215/UB-LXT-14995 hướng dẫn hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Ủy Ban Hợp Tác Và Đầu Tư ban hành

Số hiệu 215/UB-LXT
Ngày ban hành 08/02/1995
Ngày có hiệu lực 08/02/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư
Người ký Đậu Ngọc Xuân
Lĩnh vực Đầu tư

UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 215/UB-LXT

Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ SỐ 215 UB/LXT NGÀY 8 THÁNG 2 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990 và ngày 23 tháng 12 năm 1992;
Căn cứ Nghị định 18/CP ngày 16 tháng 4 năm 1993 quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 191/CP ngày 28 tháng 12 năm 1994 về quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 39/CP ngày 9 tháng 6 năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư ban hành Thông tư này hướng dẫn hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam như sau:

Phần 1:

TỔ CHỨC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

1. Hội đồng quản trị xí nghiệp liên doanh

1.1. Cơ quan lãnh đạo của xí nghiệp liên doanh là Hội đồng quản trị. Mỗi bên chỉ định người của mình tham gia Hội đồng quản trị theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn, nhưng bên Việt Nam có ít nhất 2 thành viên trong Hội đồng.

Trong Hội đồng quản trị của xí nghiệp liên doanh mới (xí nghiệp liên doanh đã được thành lập nay tiến hành liên doanh với bên hoặc các bên nước ngoài), bên xí nghiệp liên doanh có ít nhất hai thành viên và ít nhất một trong hai thành viên đó phải là công dân Việt Nam.

Hội đồng quản trị đại diện cho chủ sở hữu là các bên tham gia liên doanh, chịu trách nhiệm quản trị tài sản và hoạt động của xí nghiệp. Đại diện của mỗi bên trong Hội đồng quản trị là đại diện toàn quyền, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và các bên mà họ đại diện.

1.2. Hội đồng quản trị họp mỗi năm ít nhất một lần. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập hoặc do 2/3 số thành viên trong Hội đồng quản trị yêu cầu. Tổng giám đốc hoặc phó Tổng giám đốc thứ nhất có quyền kiến nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị.

Các cuộc họp Hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản trị đại diện của các bên liên doanh tham gia.

Các thành viên của Hội đồng quản trị có thể uỷ quyền cho người khác đến dự các phiên họp của Hội đồng quản trị và biểu quyết thay trong phạm vi được uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải có chữ ký đã được đăng ký của người uỷ quyền và nội dung uỷ quyền không được vượt quá những quyền mà người uỷ quyền có.

1.3. a. Hội đồng quản trị thực hiện chức năng quản trị xí nghiệp thông qua cơ chế ra quyết nghị, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quyết nghị đó.

b. Hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định những vấn đề của xí nghiệp. Những vấn đề quan trọng sau đây phải được các thành viên Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí.

- Phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn và hàng năm của xí nghiệp; ngân sách; vay nợ.

- Sửa đổi, bổ sung Điều lệ xí nghiệp liên doanh.

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc thứ nhất và kế toán trưởng.

c. Những quyết định khác của Hội đồng quản trị chỉ có giá trị khi được 2/3 số thành viên Hội đồng quản trị có mặt chấp thuận.

d. Đối với những vấn đề quan trọng mà Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí nếu không đạt được sự nhất trí trong các thành viên của Hội đồng quản trị mà gây ra ảnh hưởng không lợi đến hoạt động của xí nghiệp, thì Hội đồng quản trị có thể lựa chọn một trong các phương thức sau:

- Đưa ra giải quyết tại một Hội đồng hoà giải. Hội đồng hoà giải được thành lập theo nguyên tắc thoả thuận giữa các bên liên doanh, gồm các thành viên đại diện cho mỗi bên với số lượng ngang nhau và đại diện Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư tham gia với tư cách là Chủ tịch Hội đồng hoà giải. Quyết định của Hội đồng hoà giải được thông qua theo nguyên tắc đa số và là quyết định cuối cùng, phải được các bên liên doanh chấp hành.

- Đề nghị Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư làm trọng tài hoà giải; trong trường hợp này quyết định của Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư là quyết định cuối cùng.

- Giải thể xí nghiệp.

1.4. Chủ tịch Hội đồng quản trị có những nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị;

b) Giữ vai trò chủ chốt trong việc giám sát, đôn đốc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị không trực tiếp ra lệnh cho Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của xí nghiệp.

1.5- Trong vòng 6 tháng trước khi hết nhiệm kỳ, Hội đồng quản trị họp tổng kết hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ; các bên liên doanh cử người tham gia Hội đồng quản trị mới; tiến hành bàn giao công việc giữa Hội đồng quản trị cũ và Hội đồng quản trị mới.

1.6- Khi xí nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động hoặc xí nghiệp giải thể trước thời hạn, Hội đồng quản trị phải thành lập Ban thanh lý; quy định nội dung và thời hạn hoạt động của Ban thanh lý. Khi kết thúc thanh lý, Hội đồng quản trị nghe Ban thanh lý báo cáo kết quả thanh lý và xử lý những vấn đề phát sinh theo đúng pháp luật.

[...]