Thông tư 21-TT/LB-1974 về việc khóa sổ thu, chi ngân sách Nhà nước cuối năm tại cơ quan ngân hàng các cấp do Ngân hàng Nhà nước- Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 21-TT/LB |
Ngày ban hành | 18/11/1974 |
Ngày có hiệu lực | 03/12/1974 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước |
Người ký | Lê Đức,Trịnh Văn Bính |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước |
BỘ
TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
VIỆT
|
Số: 21-TT/LB |
Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1974 |
VỀ VIỆC KHÓA SỔ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CUỐI NĂM TẠI CƠ QUAN NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CÁC CẤP
Hàng năm, liên bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước đều có Thông tư hướng dẫn việc khóa sổ thu, chi ngân sách cuối năm tại các cơ quan ngân hàng Nhà nước các cấp.
Về thu: nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa nộp đủ, nộp hết các khỏan phải nộp cho ngân sách trong năm quyết tóan, còn tình trạng chiếm dụng vốn của ngân sách kéo dài sang năm sau. Ngược lại, cũng có đơn vị nộp vượt mức một cách giả tạo để được trích quỹ khen thưởng rồi sang năm sau lại xin thoái thu.
Tiền hàng viện trợ và vay nợ là khoản thu lớn trong ngân sách, nhưng nhiều cơ quan, xí nghiệp chưa thấy hết nhiệm vụ phải khẩn trương trả tiền hàng để nộp cho ngân sách.
Nhiều cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp không thu hết, nộp hết các khoản thu về tiền nhà, điện, nước, thu văn hóa xã hội, thu học phí, thu về bán tài sản, tiền phạt và tịch thu, thu sự nghiệp của trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm, thiết kế phí,v.v...
Về chi: nhiều cơ quan, xí nghiệp, tổ chức kinh tế chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu ra sức tiết kiệm để công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nên còn tình trạng chi tiêu, sản xuất với bất cứ giá nào, tranh thủ chi cho hết dự toán, “chạy kinh phí” trong dịp cuối năm dưới nhiều hình thức: cấp phát quá mức cần thiết, tạm ứng quá nhiều, chuyển tiền đi mua hàng mặc dầu không có hàng...để sang năm sau sẽ thu hồi lại; rút tiền mặt quá phạm vi quy định để thuê mượn nhân công, để mua hàng theo giá tự do...Lại có một số địa phương tìm cách tạm ứng, tạm cấp tuy không cần thiết, để rút vốn ra khỏi ngân sách nhằm “chạy kết dư”; một số địa phương khác thiết khẩn trương tích cực trong việc thanh toán vay mượn nợ nần đối với ngân sách trung ương...
Về kiểm tra, đối chiếu số liệu, kê khai xác nhận số dư tiền gửi giữa đơn vị và tài chính – ngân hàng không được tiến hành nghiêm chỉnh.
Nhiều đơn vị không đối chiếu số liệu thu, chi ngân sách; không kê khai số dư tiền gửi vãng lai ở ngân hàng; không nộp những số tiền gửi mà nguồn gốc là thu của ngân sách hoặc kinh phí do ngân sách cấp phát còn thừa; có đơn vị tuy có kê khai và được đơn vị cấp trên duyệt cho chuyển sang năm sau nhưng thiếu sự xét duyệt của cơ quan tài chính.
Các ngân hàng cơ sở ở nhiều nơi đã cho chuyển sang năm sau số dư tiền gửi của một số đơn vị mặc dù chưa có sự xét duyệt của cơ quan tài chínhl hoặc cho chuyển sang năm sau số dư của tài khỏan 733 của sở, ty tài chính tuy chưa có bảng khai của cơ quan tài chính được Bộ Tài chính xét duyệt. Một số ngân hàng cơ sở đã cắt tồn khỏan cuối năm của một số đơn vị để nộp ngân sách không đúng chế độ (cắt nộp số dư tiền gửi của đơn vị bộ đội, của nhà trẻ, của nhà ăn tập thể...).
Yêu cầu của việc khóa sổ năm nay là phải theo đúng các thủ tục và thể thức quy định nhằm phảm ánh chính xác, trung thực kết quả thực hiện ngân sách, thực hiện các nghị quyết của Đảng, từ đó mà có cơ sở để tiến hành công tác phân tích kinh tế, tài chính một các sâu sắc, tìm ra những chỗ mạnh để phát huy, những chỗ yếu để khắc phục.
Để đạt được yêu cần trên, không thể đợi đến những ngày cuối tháng 12 mới tiến hành đối chiếu số liệu, đôn đốn thu, năm tình hình chi, kê khai xác nhận số dư tài khỏan tiền gửi...mà ngay từ tháng 11, phải bắt tay ngay vào các công tác chuẩn bị cần thiết.
Về thu cần so sánh số đã thu được với nhiệm vụ phải thu để kịp thời đôn đốc thu nộp bảo đảm nộp nhanh, nộp đủ vào ngân sách tất cả các khỏan thu thuộc ngân sách Nhà nước năm 1974 trước khi khóa sổ, tránh để dồn vào những ngày cuối năm; tuyệt đối không được để chuyển sang năm sau. Đặc biệt chú ý những khoản thu mới sau đây:
Khoản chênh lệch giá tại các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh quy định trong Thông tư số 508-TC/VP ngày 22-10-1974 và công văn số 22-TC/TQD ngày 30-10-1974 của Bộ Tài chính. Về khoản thu này, một mặt, các sở, ty tài chính phải phối hợp chặt chẽ với các công tu thương nghiệp quốc doanh nắm chắc lượng hàng hóa tồn kho của từng mặt hàng, bám sát tình hình tiêu thụ và đôn đốc các công ty thương nghiệp đẩy mạnh việc bán; mặt khác, phải bố trí cán bộ chuyên quản thu bám sát từng công ty thương nghiệp quốc doanh, kiểm tra việc công ty tính toán và nộp đầy đủ cho ngân sách trung ương các khoản chênh lệch giá nói trên (nộp ngân sách trung ương, khoản 46, hạng 2, mục 12; không được nộp nhầm cho ngân sách địa phương).
Khoản thu về tiền hàng nhập khẩu quy định trong Nghị định số 200-CP ngày 31-12-1973 và Thông tư liên bộ số 13, hiện nay chưa được một số ngành thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh, làm đọng lại ở khâu thanh toán của chủ hàng, ở khâu lập giấy nhờ thu của các tổng công ty ngoại thương và cả ở khâu luân chuyển chứng từ qua ngân hàng A và B, hoặc ở khâu cấp phát hay cho vay để thanh toán hàng nhập...trong dịp cuối năm cần ra sức phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan để thúc đẩy việc trả tiền hàng vay nợ viện trợ và bảo đảm thu nộp nhanh chóng, đầy đủ. Thi hành đúng Thông tư số 13 của liên bộ, Ngân hàng phục vụ bên mua cần tự động trích tài khoản tiền gửi thanh toán của đơn vị đặt hàng để nộp cho ngân sách, nếu hết hạn thanh toán mà đơn vị đặt hàng chưa trả tiền hàng. Nếu tài khoản tiền gử thanh toán của đơn vị đặt hàng không đủ để thanh toán mà đơn vị không xin vay thì ngân hàng cho vay bắt buộc để nộp ngân sách.
Về chi cần tăng cường kiểm tra, giám đốc chi tiêu trong dịp cuối năm, chống mọi hiện tượng không lành mạnh như tranh thủ chi “hết dự toán”, chi “chạy hạn mức”...Một số cơ quan tài chính địa phương cũng có tình trạng tranh thủ vốn trung ương trợ cấp, tranh thủ chi tạm ứng để giảm bớt kết dư ngân sách,v.v...cần chấm dứt những hiện tượng không đúng này.
Các cơ quan, các ngành cần nắm lại tình hình chi tiêu của đơn vị và xét duyệt kỹ nhu cầu chi từ nay đến hết năm, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, cương quyết hoãn, giảm những chi tiêu không cần thiết và báo cho cơ quan tài chính biết số cần phải cấp phát.
Các cơ quan tài chính và ngân hàng cần thực sự tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc trong dịp cuối năm để phát hiện kịp thời và ngăn chặn những trường hợp vi phạm chế độ, vi phạm kỷ luật tài chính và tiền mặt, đặc biệt chú ý những điểm sau đây trong dịp cuối năm:
- Chi khi nào có đầy đủ căn cứ chính xác mới cấp phát thêm vốn ngân sách;
- Thanh toán và hạn chế các khoản tạm ứng, các khoản mua sắm, chi tiêu không cần thiết;
- Đối với chi tiêu xây dựng cơ bản, phải nghiêm chỉnh chấp hành Thông tư số 18-TC/NHKT ngày 28-09-1974 về việc tăng cường quản lý vốn xây dựng cơ bản trong các tháng cuối năm;
- Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền vốn ngân sách vào các tài khoản tiền gửi, đặc biệt chú trọng việc chuyển tiền vào các tài khoản của các cửa hàng tư nhân hay hợp tác xã.
- Cơ quan tài chính bàn bạc với ngân hàng đảm bảo thu nhận các khoản nộp ngân sách cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1974 và hạch toán kịp thời vào niên khoá ngân sách 1974.
- Ngân hàng chuyển nộp vào ngân sách 1974 số dư của các tài khoản tiền gửi của các đơn vị dự toán mở tại ngân hàng Nhà nước cơ sở như: tiền tạm giữ, tiền gửi dự toán khác, tiền giữ vãng lai khác, tiền giữ chuyên dùng khác,v.v...theo đúng bảng kê khai đã được cơ quan tài chính xét duyệt. Đối với những đơn vị không lập bảng kê khai hay bảng kê khai không được cơ quan tài chính chấp thuận thì chuyển nộp toàn bộ số dư (trừ những số dư đã có quy định riêng trong thông tư 16-TT/LB nói trên).
- Phải chấp hành nghiêm túc chế độ đối chiếu số liệu thu, chi ngân sách. Ngoài việc đối chiếu thường xuyên hàng ngày, hàng tháng, đến khi khoá sổ cuối năm, việc đối chiếu số liệu giữa các đơn vị thu, chi với cơ quan tài chính, ngân hàng có liên quan lại càng phải hết sức chú ý, đảm bảo chính xác và nhất trí một cách tuyệt đối.