Thông tư 21/2012/TT-BKHCN quy định về an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 21/2012/TT-BKHCN
Ngày ban hành 20/11/2012
Ngày có hiệu lực 04/01/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 21/2012/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN SINH HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VỀ SINH VẬT BIẾN ĐỔI GEN

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 và Nghị định số 108/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2011 sửa đổi Nghị định 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen;

Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học”;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư Quy định về an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (sau đây gọi tắt là nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến công tác quản lý và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (sau đây viết tắt là nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen) là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra, phân tích, thử nghiệm cách ly sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen; đánh giá tác động của sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen đối với sức khỏe con người, vật nuôi, đa dạng sinh học và môi trường.

2. Rủi ro là các yếu tố có hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người, cây trồng hoặc vật nuôi, có thể dễ phát hiện hoặc tiềm ẩn do các hoạt động có liên quan đến nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen gây ra.

3. Quản lý an toàn sinh học là các biện pháp quản lý để đảm bảo an toàn đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý an toàn sinh học trong nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen

1. Mọi hoạt động nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) tại các Điều 19, Điều 20 của Luật Khoa học và Công nghệ; Điều 87 của Luật Bảo vệ Môi trường; Điều 7 của Luật Đa dạng sinh học; Điều 44, Điều 50 của Luật An toàn thực phẩm và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen phải được tiến hành trong khuôn khổ các nhiệm vụ KH&CN (đề tài, dự án) được cấp có thẩm quyền phê duyệt: nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh do Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt; nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở do tổ chức quản lý trực tiếp phê duyệt.

3. Nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen theo các cấp độ an toàn sinh học.

a) Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 1: được thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyển gen; phân tích phát hiện sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh vật biến đổi gen; đánh giá, kiểm định tiêu chuẩn chất lượng, rủi ro của những đối tượng không hoặc ít có thể xảy ra đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi;

b) Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2: ngoài các quy định tại Điểm a của Khoản này còn được thực hiện nghiên cứu chuyển gen ở những đối tượng có thể có nguy cơ rủi ro xảy ra đối với môi trường, đa dạng sinh học;

c) Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3: ngoài các quy định tại các Điểm a và b của Khoản này còn được thực hiện nghiên cứu chuyển gen ở những đối tượng có nguy cơ rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi;

d) Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4: ngoài các quy định tại các Điểm a, b và c của Khoản này còn được thực hiện nghiên cứu chuyển gen ở những đối tượng có nguy cơ rủi ro cao, nguy hiểm đến con người, có khả năng gây dịch bệnh.

4. Các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở về sinh vật biến đổi gen mà sinh vật cho và sinh vật nhận có nguy cơ rủi ro cao ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi thuộc phân nhóm cấp độ an toàn sinh học cấp 3 và cấp 4 phải được Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý bằng văn bản trước khi phê duyệt.

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ