16:32 - 02/10/2024

Các quy định về an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm khi nghiên cứu đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen là gì?

Quy định an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Các quy định về an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm khi nghiên cứu đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen là gì?

    Quy định an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen được quy định tại Điều 8 Thông tư 21/2012/TT-BKHCN quy định về an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo đó: 

    - Các hoạt động nghiên cứu về đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen tiến hành trong phòng thí nghiệm của khu thí nghiệm chính phải thực hiện theo các quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Thông tư này.

    - Các hoạt động nghiên cứu về đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen là thực vật phải tuân thủ các quy định sau:

    + Các nghiên cứu về đặc tính sinh học chỉ được phép tiến hành trong nhà kính hoặc nhà lưới, phải đảm bảo cách ly giữa các đối tượng sinh vật với nhau;

    + Các dụng cụ chăm sóc, cắt tỉa cây được dùng riêng cho một loại cây trồng chuyển gen;

    + Phải sử dụng giầy, dép riêng biệt khi vào nhà kính, nhà lưới;

    + Không được mang đất, các mẫu vật từ cây trồng chuyển gen ra khỏi khu vực nhà kính, nhà lưới khi chưa được phép;

    + Khi lấy các mẫu vật đi phân tích phải đảm bảo tránh để rơi vãi, lẫn mẫu và cần quản lý an toàn khi phân tích mẫu;

    + Khi kết thúc thí nghiệm, các cây trồng đã chuyển gen đủ hoặc không đủ điều kiện làm giống đều phải được quản lý chặt chẽ, nếu không tiếp tục sử dụng phải tiến hành tiêu hủy theo quy định.

    - Những nghiên cứu về đặc tính sinh học của động vật được thực hiện ở khu phụ trợ:

    + Khu chuồng nuôi các đối tượng đã chuyển gen phải đảm bảo điều kiện cách ly với môi trường bên ngoài, có hệ thống thu chất thải, nước thải riêng. Phân và nước thải được thu gom và xử lý bằng các hóa chất tiêu độc, không thải trực tiếp vào hệ thống nước thải chung. Các chất thải rắn, chất độn chuồng (nếu có) được xử lý theo phương pháp đốt trong lò kín;

    + Quản lý chặt chẽ động vật đã được chuyển gen: Phải đánh dấu và quản lý số lượng. Những con chết hoặc không đủ điều kiện giữ giống, mẫu vật của động vật biến đổi gen cần được tiêu hủy theo phương pháp đốt trong lò kín.

    - Trong quá trình nghiên cứu đặc tính sinh học của sinh vật biến đổi gen, nếu phát hiện thấy có nguy cơ gây hại cao đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khoẻ con người, vật nuôi, tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng biết và xin ý kiến về biện pháp ngăn chặn rủi ro.

    4