Thông tư 1861-KT năm 1962 giải thích Điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ban hành do Nghị định 29-CP 1962 do Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành

Số hiệu 1861-KT
Ngày ban hành 21/07/1962
Ngày có hiệu lực 05/08/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Võ Nguyên Lượng
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1861-KT

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1962 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TRONG VIỆC CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 29-CP NGÀY 23-02-1962

Căn cứ vào Nghị định số 29-CP ngày 23-02-1962 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, Hội đồng trọng tài trung ương giải thích và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều khoản đã ghi trong điều lệ.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ

 Bản điều lệ này được ban hành nhằm mục đích:

- Củng cố chế độ hợp đồng kinh tế, tăng cường ý thức tổ chức và kỷ luật, nâng cao công tác hợp đồng lên một bước, đưa việc ký kết và thực hiện hợp đồng đi dần vào nền nếp.

- Thông qua chế độ hợp đồng kinh tế mà đề cao và quy định rõ trách nhiệm của tập thể, của cá nhân trong việc hoàn thành kế hoạch, tăng cường trách nhiệm của từng xí nghiệp, cơ quan trước Nhà nước, đồng thời cũng đề cao trách nhiệm chung trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng đã ký kết.

- Bảo đảm lợi ích vật chất của hai bên cùng ký kết nhằm tăng cường và củng cố chế độ hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Bản điều lệ xử lý được ban hành chứng tỏ nền kinh tế nước ta đang trên đà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân ngày càng trưởng thành, và việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế đòi hỏi phải được tăng cường và củng cố kịp thời. Bản điều lệ tạm thời này là một biện pháp quan trọng để chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Nó là một công cụ để đấu tranh có tác dụng giáo dục tinh thần kỷ luật hợp đồng và pháp lệnh của kế hoạch.

II. TRÁCH NHIỆM KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG.

1. Trách nhiệm ký kết và thực hiện hợp đồng.

Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển có kế hoạch, nhịp nhàng và cân đối, giữa các ngành, các cấp thường xuyên phải có mối quan hệ chặt chẽ. Nếu một xí nghiệp, cơ quan không làm tròn nhiệm vụ của mình sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các xí nghiệp, cơ quan khác, làm khó khăn cho việc hoàn thành kế hoạch kinh tế quốc dân. Do đó, chúng ta cần xác định trách nhiệm ký kết cũng như trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký kết. Việc ký kết phải theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, không được ký dưới chỉ tiêu đã ban hành và phải bảo đảm ký đúng thời gian đã quy định. Các bản hợp đồng phải được hợp lệ, không vi phạm thể lệ đã ban hành.

Việc thực hiện hợp đồng đã ký kết phải hết sức nghiêm chỉnh và cả hai bên phải có ý thức tự giác về nghĩa vụ giúp đỡ nhau, tạo điều kiện cho nhau thi hành được đầy đủ và có kết quả tốt.

Vì vậy, bất cứ một ngành, một đơn vị nào, nếu từ chối ký kết, ký kết không đúng thời gian quy định, ký kết dưới chỉ tiêu kế hoạch, tự ý hủy bỏ, điều chỉnh hợp đồng, thực hiện không đầy đủ các điều khoản đã ký kết, đều coi là vi phạm kỷ luật của chế độ hợp đồng kinh tế.

2. Thời gian hoàn thành ký kết.

Sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm hoặc dài hạn đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước kể cả Quân đội phải tiến hành ký kết ngay các loại hợp đồng (30 ngày tối đa đối với các loại hợp đồng nguyên tắc, 60 ngày và chậm nhất không quá 90 ngày đối với hợp đồng cụ thể toàn năm). Thời gian này kể từ ngày Thủ tướng Chính Phủ gửi kế hoạch cho các Bộ, Tổng cục và các địa phương.

Ký kết hợp đồng theo thời gian quy định là hết sức cần thiết và quan trọng. Nếu ký chậm sẽ làm cho tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, xây dựng, kinh doanh của các xí nghiệp, cơ quan không ổn định, gây ra lãng phí về nhân, tài, vật lực và hạn chế sự phấn khởi tích cực của quần chúng trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch.

Sau khi ký xong hợp đồng nguyên tắc, các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở ký kết hợp đồng cụ thể toàn năm. Trong quá trình thực hiện hợp đồng cụ thể cả năm, hàng tháng, hàng quý chỉ cần ký phụ lục đính theo nếu có sự gì thay đổi. Các hợp đồng tạm thời quý, tháng đã ký kết trước coi như hủy bỏ.

3. Từ chối ký kết

Ký kết hợp đồng kinh tế là một kỷ luật bắt buộc. Khi một bên đề nghị đã trực tiếp thương lượng, hoặc gửi cho bên kia một bản dự thảo hợp đồng để chuẩn bị ký kết mà bên nhận được đã chính thức trả lời không ký, hoặc đưa ra những điều kiện không chính đáng để lảng tránh, trì hoãn việc ký kết, hoặc để quá hạn ký kết, mà vẫn im lặng không trả lời, thì bên nhận đề nghị bị coi là từ chối ký kết. Tuy nhiên, bên đề nghị phải cố gắng làm hết khả năng chủ quan của mình thương lượng với bên kia trên tinh thần “khó về ta, dễ về bạn”. Chỉ sau khi các cấp lãnh đạo của đôi bên đã trực tiếp gặp gỡ nhau giải quyết các mắc mứu mà không đạt kết quả, thì bên bị từ chối mới khiếu nại đến Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài sẽ căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch và tình hình thực tế của hai bên để giúp đỡ hai bên tiến hành ký kết. Nếu hai bên vẫn không thỏa thuận ký kết, Hội đồng trọng tài sẽ quyết định nội dung để hai bên phải ký kết.

4. Đối tượng xử lý.

Đối tượng xử lý của Hội đồng trọng tài là các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước kể cả Quân đội và các tổ chức công tư hợp doanh đã thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Còn các tổ chức hợp tác xã vì chưa nằm trong diện ký kết hợp đồng kinh tế, nên những vụ vi phạm hợp đồng giữa các hợp tác xã với nhau sẽ do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh giải quyết. Nếu vụ vi phạm hợp đồng xảy ra giữa một hợp tác xã và một cơ quan, xí nghiệp quốc doanh, thì cũng do Ủy ban hành chính địa phương giải quyết sau khi trao đổi ý kiến với Hội đồng trọng tài cùng cấp.

Điều 5 của bản điều lệ xử lý đã nêu cụ thể những điều kiện của một hợp đồng hợp lệ. Trường hợp một hợp đồng không hợp lệ được đưa ra khiếu nại thì Hội đồng trọng tài vẫn xét xử nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước và đề cao việc triệt để thi hành các luật lệ đã ban hành. Sau khi đã xử lý xong về vi phạm hợp đồng, Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng các biện pháp hành chính đối với hai bên đã ký bản hợp đồng không hợp lệ đó.

5. Các trường hợp được miễn trách nhiệm

Cần quy định những trường hợp được miễn trách nhiệm nhằm mục đích thúc đẩy hai bên ký kết, phát huy tính tích cực và sảng tạo, khắc phục khó khăn, để hoàn thành tốt hợp đồng, và làm cho Hội đồng trọng tài các cấp phải hết sức khách quan, thực sự cầu thị, tìm ra nguyên nhân vi phạm hợp đồng, hạn chế các thiệt hại xảy ra nhằm xử lý cho thích đáng.

Bên vi phạm hợp đồng có thể được miễn hoặc giảm trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Có chỉ thị bằng văn bản của cơ quan cấp trên của mình, sau khi đã thỏa thuận với cơ quan chủ quản của bên cùng ký kết, chỉ thị này không được trái với nhiệm vụ kế hoạch cũng như các luật lệ Nhà nước. Cần nêu rõ phải có sự thỏa thuận của cấp trên của cả hai bên để tránh trường hợp có thể bao che cho cơ sở trực thuộc tự động sửa đổi, huỷ bỏ hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia và làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch chung.

b) Gặp thiên tai hoặc trở lực khách quan không có đủ điều kiện khắc phục nổi. Đây là những hiện tượng xuất hiện bất ngờ không lường trước được, ngoài quy luật đã được xác nhận, và bản thân mình đã đem hết khả năng cố gắng của mình và nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức bạn, khắc phục vẫn không có kết quả. Những hiện tượng xảy ra thường kỳ trong những thời gian nhất định của từng năm mà người ta đã dự tính trước được thì không gọi là trở lực khách quan.

[...]