Quyết định 263-TTg năm 1979 về bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 263-TTg
Ngày ban hành 02/08/1979
Ngày có hiệu lực 17/08/1979
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

*******

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 263-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 1979

 

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào điều lệ và chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo nghị định số  54-CP ngày 10-03-1975 của Hội đồng Chính phủ, Điều lệ vế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 75-CP ngày 14-4-1975 của Hội đồng Chính phủ;
Theo đề nghị của đồng chí chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2: - Các văn bản đã ban hành trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: - Đồng chí chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 263-TTg ngày 02-8-1979 của Thủ tướng Chính phủ)

CHƯƠNG 1:

Điều 1: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, thành phố chuyên trách công tác trọng tài kinh tế, đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước về nghiệp vụ và đường lối xét xử.

Điều 2: - Nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là giám sát và thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật hợp đồng kinh tế và pháp luật quản lý kinh tế của Nhà nước có liên quan tới hợp đồng kinh tế ở các xí nghiệp và công ty quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các tổ chức xã hội, các hợp tác xã và các hoạt động kinh tế khác của nhân dân trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố.

Điều 3: - Mọi hoạt động của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố phải căn cứ vào pháp luật hiện hành của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế và quản lý kinh tế; phải theo đúng các quyết định, chỉ thị, thông tư của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, đồng thời theo đúng các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, nếu các quyết định, chỉ thị ấy không trái với các điều quy định hiện hành của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4: - Tổ chức Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là cơ quan tương đương với cấp Sở, Ty; có một chủ tịch, hai phó chủ tịch chuyên trách và một số ủy viên kiêm chức. Chủ tịch và các phó chủ tịch chuyên trách của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị, chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ký quyết định bổ nhiệm theo quy định hiện hành. Các ủy viên kiêm chức là thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng các cơ quan kế hoạch, tài chính, ngân hàng, vật giá do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ký quyết định giao nhiệm vụ.

Điều 5: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách. Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về mọi mặt công tác trọng tài kinh tế trong địa phương và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước về mặt nghiệp vụ và đường lối xét xử. Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố phân công các phó chủ tịch phụ trách từng phần công tác. Các ủy viên kiêm chức cùng với chủ tịch, các phó chủ tịch lãnh đạo công tác trọng tài kinh tế của tỉnh, thành phố, đề xuất những ý kiến có liên quan đến nghiệp vụ của mình, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố và thi hành các quyết định xét xử của Hội đồng trọng tài kinh tế các cấp có thẩm quyền.

CHƯƠNG 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ

Điều 6: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố có những nhiệm vụ cụ thể dưới đây:

1. Xét xử kịp thời, đúng đắn các vụ tranh chấp, vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức kinh tế dưới đây:

- Giữa các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các đơn vị bộ đội, các cơ quan Nhà nước nằm trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố;

- Giữa các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước với các hợp tác xã và các hình thức hoạt động kinh tế khác của nhân dân trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố;

- Giữa các hợp tác xã và các hình thức hoạt động kinh tế khác của nhân dân nằm trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố với nhau;

- Giữa các tổ chức kinh tế không thuộc quyền xét xử của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố được Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ủy quyền xét xử.

2. Thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, phát hiện các hoạt động sai trái, thiếu sót có ảnh hưởng đến việc ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố, kể cả các tổ chức kinh tế của các ngành trung ương hoạt động trên lãnh thổ tỉnh, thành phố.

3. Qua công tác thanh tra và xét xử mà giúp đỡ các đơn vị kinh tế cơ sở khắc phục những thiếu sót, lệch lạc trong việc chấp hành kỷ luật hợp đồng kinh tế, đưa công tác ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế vào nề nếp, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, kiến nghị với các cơ quan quản lý cấp trên của các đơn vị kinh tế cơ sở và ngành có liên quan các biện pháp khắc phục những sai trái, thiếu sót trong hoạt kinh tế làm trở ngại đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế.

5. Tổ chức học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế ở các đơn vị cơ sở, các hợp đồng xã, các ngành, các cấp thuộc hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố.

[...]