Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 13/2018/TT-NHNN
Ngày ban hành 18/05/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Nguyễn Đồng Tiến
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng thương mại bao gồm: Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ.

2. Giám sát của quản lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thanh viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), ngân hàng mẹ đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và giám sát của Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, ngân hàng mẹ, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với kiểm toán nội bộ.

3. Kiểm soát nội bộ là việc kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm soát nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát rủi ro, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt được các mục tiêu đề ra đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật.

4. Quản lý rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn là việc tự đánh giá mức đủ vốn đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn và đạt được yêu cầu đề ra của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Văn hóa kiểm soát là giá trị văn hóa doanh nghiệp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận. Văn hóa kiểm soát được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

7. Vốn kinh tế là mức vốn do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở tính toán mức vốn cần thiết bù đắp các rủi ro trọng yếu và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong kịch bản có diễn biến bất lợi.

8. Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác định khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

9. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

10. Khẩu vị rủi ro là mức độ rủi ro mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh được thể hiện bằng các tỷ lệ và chỉ tiêu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Thông tư này.

11. Trạng thái rủi ro là phần giá trị của tài sản có rủi ro, nợ phải trả có rủi ro và các khoản mục ngoại bảng có rủi ro của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

12. Hoạt động trọng yếu là hoạt động do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định trên cơ sở quy mô của hoạt động đó so với một trong số các chỉ số tài chính (vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, thu nhập, chi phí hoặc các chỉ tiêu tài chính khác) theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

[...]