Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 126/2020/TT-BCA quy định về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 126/2020/TT-BCA
Ngày ban hành 01/12/2020
Ngày có hiệu lực 15/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/2020/TT-BCA

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân; các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an.

2. Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động điều tra.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra

Thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tham gia tố tụng trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và hoạt động điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; phòng, chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động điều tra hình sự. Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm dân chủ đi đôi với trật tự, kỷ cương, điều lệnh Công an nhân dân, không xâm phạm đến hoạt động của cơ quan tư pháp.

3. Nghiêm cấm lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; cản trở hoạt động tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quan hệ giữa Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; giữa Cơ quan điều tra các cấp và giữa Cơ quan điều tra với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra

1. Quan hệ giữa Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là quan hệ phân công theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình. Khi có ý kiến khác nhau giữa Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Thủ trưởng quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật; các Phó Thủ trưởng có trách nhiệm thực hiện quyết định của Thủ trưởng nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo, kiến nghị bằng văn bản lên cấp trên.

2. Quan hệ giữa các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra cùng cấp là quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng đơn vị.

3. Quan hệ giữa Cơ quan điều tra cấp trên với Cơ quan điều tra cấp dưới là quan hệ phân công và phối hợp theo nguyên tắc Cơ quan điều tra cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với Cơ quan điều tra cấp dưới.

4. Quan hệ giữa Cơ quan điều tra với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp là quan hệ phân công trách nhiệm và phối hợp trong hoạt động điều tra trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị. Cơ quan điều tra có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

[...]