Thông tư 122/2021/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 122/2021/TT-BTC
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 07/02/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Võ Thành Hưng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Chương I

PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Điều 1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước

1. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

2. Căn cứ nguồn thu được phân cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này và nhiệm vụ chi phân cấp cho ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương năm 2022, đồng thời đảm bảo đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương khi phân chia cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương thì tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu không vượt quá tỷ lệ do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Tiếp tục thực hiện phân chia tiền thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (đối với giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% số thu cho ngân sách địa phương; đối với giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện phân chia 100% số thu cho ngân sách địa phương).

4. Phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước trên cơ sở sản lượng xăng, dầu trong nước sản xuất, bán ra trong kỳ kế hoạch so với sản lượng xăng, dầu kế hoạch do doanh nghiệp đầu mối bán ra. Theo đó: 48% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu là khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; 52% số thu thuế bảo vệ môi trường điều tiết 100% số thu về ngân sách trung ương.

5. Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% cho ngân sách trung ương và bổ sung có mục tiêu 35% cho ngân sách địa phương để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.

6. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, năm 2023, Quốc hội sẽ quy định lại cho phù hợp.

7. Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

8. Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại các địa phương ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Điều 2. Giao dự toán thu ngân sách nhà nước

1. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ thu từ việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc (nếu có).

2. Việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2021; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn.

3. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 05 năm 2018 của Ban chấp hành trung ương.

Trong phạm vi số thu phí, số phí nộp ngân sách nhà nước, số phí để lại chi Bộ Tài chính giao, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Căn cứ tiến độ thu và phạm vi dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại, các bộ, cơ quan trung ương chủ động quản lý, sử dụng cho các nội dung theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí và cơ chế tài chính đặc thù theo quy định của cấp có thẩm quyền (nếu có) đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, gửi Bộ Tài chính kiểm tra cùng với phương án phân bổ ngân sách theo quy định.

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù của đơn vị theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước theo quy định, thực hiện giảm tối thiểu 15% chi thường xuyên (sau khi đã loại trừ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và các khoản chi trực tiếp cho con người) so với năm 2021 ngay từ khâu dự toán.

Điều 3. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước

[...]