Thông tư 09-NV năm 1961 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 09-NV
Ngày ban hành 20/02/1961
Ngày có hiệu lực 07/03/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
*******

Số : 09-NV

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 1961

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ VIỆC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Để tiến hành Hiến pháp, đồng thời đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện tại, Pháp lệnh về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 18-01-1961 và do Lệnh số 01-LCT ngày 23-01-1961 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố.

Thông tư này hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nói trên.

I. MẤY VẤN ĐỀ CĂN BẢN CỦA PHÁP LỆNH CẦN QUÁN TRIỆT TRONG KHI THI HÀNH PHÁP LỆNH

1. Điều I của Pháp lệnh ghi bốn nguyên tắc căn bản của việc bầu cử là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc này bảo đảm quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân ta trong việc làm chủ đất nước, nắm giữ chính quyền.

Sắc luật số 004/SLt cũng ghi bốn nguyên tắc này nhưng lại quy định một ngoại lệ đối với nguyên tắc bầu cử trực tiếp là ở các Khu tự trị và miền núi Hội đồng nhân dân từ cấp châu trở lên do Hội đồng nhân dân xã bầu ra. Pháp lệnh xóa bỏ ngoại lệ này.

2. Bầu cử đại biểu vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là việc của nhân dân, do nhân dân đảm nhiệm; các cơ quan hành chính phải tạo mọi điều kiện thuận tiện để tất cả công dân có thể sử dụng đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử của mình.

Quán triệt tinh thần trên, Pháp lệnh đã giao thêm cho các tổ chức phụ trách bầu cử (Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử) một số nhiệm vụ mà trước đây Sắc luật số 004/SLt đã giao cho cơ quan hành chính đảm nhiệm như tiếp nhận đơn ứng cử, lập và niêm yết danh sách những người ứng cử, xét các khiếu nại của nhân dân trong cuộc bầu cử, tuyên bố kết quả cuộc bầu cử.

Pháp lệnh đã quy định: “trong phiên họp đầu tiên Hội đồng nhân dân cử ra Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Căn cứ vào báo cáo của Ban thẩm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân cáp mình” (Điều 59). Các cơ quan hành chính không xét duyệt và cũng không công bố kết quả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

3. Pháp lệnh quy định trong điều 5 “Kinh phí về tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do ngân sách Nhà nước chịu”. Quy định này nhằm để tất cả công dân có điều kiện thuận tiện sử dụng quyền bầu cử và ứng cử của mình.

4. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, phải có số đại biểu thích đáng để bảo đảm việc bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, đồng thời bảo đảm địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân và khối đoàn kết các dân tộc.

Pháp lệnh đã quy định Hội đồng nhân dân cấp xã tối thiểu có 20 đại biểu để các địa phương mặc dù ít nhân khẩu cũng được cử số đại biểu đủ để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tối đa có thể có tới 120 đại biểu; các thành phố có thể có tới 140 đại biểu.

Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp các cấp ở miền núi ngang với số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở miền xuôi. Đối với các địa phương có nhiều dân tộc xen kẽ, có các khu vực công nghiệp tập trung hoặc nông trường, để các dân tộc và công nhân có số đại biểu thích đáng trong Hội đồng nhân dân, Chính phủ có thể châm chước các tỷ lệ đã quy định trong phạm vi mức tối đa đã quy định.

5. Đi đôi với tinh thần phát huy dân chủ, Pháp lệnh đã đề ra những biện pháp bảo đảm lãnh đạo tốt việc bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân và chế độ pháp chế dân chủ.

Trong tình hình thực tế, các thị trấn và xã cần phải có sự hướng dẫn giúp đỡ của cấp huyện, châu v.v... trong công tác bầu cử, Pháp lệnh quy định thành lập Hội đồng giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn và xã. Hội đồng này có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức phụ trách bầu cử ở thị trấn và xã thi hành đúng pháp luật, bảo đảm quyền dân chủ bầu cử của nhân dân, bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả tốt.

Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nào có những điều không hợp pháp nghiêm trọng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hủy bỏ.

Trên đây là mấy vấn đề căn bản mà các cấp cần quán triệt để áp dụng các điều quy định trong Pháp lệnh được tốt.

1. Lập danh sách cử tri:

Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đều có quyền bầu cử.

Công dân đang ở trong quân đội và công an nhân dân vũ trang có quyền bầu cử như những công dân khác.

Địa chủ được quyền bầu cử theo những điều kiện đã quy định trong Thông tư số 94-TTg ngày 12-4-1960 của Phủ Thủ tướng.

Những người bị tòa án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử, ứng cử và những người mất trí không có quyền bầu cử.

Tuổi bầu cử tính theo cách tính tuổi trong điều tra dân số năm 1960, nghĩa là tính từ ngày sinh đến ngày bầu cử phải đủ 18 tuổi mới được bầu cử; trường hợp không nhớ ngày tháng sinh thì căn cứ vào năm sinh để tính tuổi bầu cử.

Lúc lập danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp, những người có quyền bầu cử được ghi tên vào danh sách cử tri nơi cư trú, nếu nơi này là:

a) Nơi cư trú chính thức (đã đăng ký vào một hộ chính thức).

b) Nơi ở và làm ăn thường xuyên ngoài nơi cư trú chính thức; thí dụ: một người có nơi cư trú chính thức ở xã A thuộc tỉnh Thái Bình, nhưng hiện nay làm việc ở một công trường trong tỉnh Thái Nguyên, thì được ghi tên vào danh sách cử tri và bỏ phiếu nơi có công trường, là nơi cư trú thường xuyên của người đó.

c) Hoặc là nơi cư trú tạm thời nhưng trong cùng một địa phương có cuộc bầu cử với nơi cư trú chính thức, như: cùng huyện nếu là cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, cùng thành phố nếu là cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. Thí dụ: một người mà nơi cư trú chính thức thuộc xã Tân Cương huyện Đồng Hỷ, nhưng lúc lập danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Đồng Hỷ, đang tạm trú ở xã Gia Sàng huyện Đồng Hỷ, thì có quyền được ghi tên vào danh sách cử tri và bỏ phiếu ở xã Gia Sàng.

[...]