Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 09/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XII do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 09/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 01/02/2007
Ngày có hiệu lực 02/03/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2007

 

THÔNG TƯ

SỐ 09/2007/TT-BTC CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XII

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/12/2001.
Căn cứ Nghị quyết số 1077/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29/01/2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội.
Căn cứ Chỉ thị số 02/2007/CT-TTg ngày 31/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII.
Sau khi có ý kiến của Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính hướng dẫn cấp phát, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII do ngân sách Trung ương bảo đảm.

2. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII phải được các tổ chức, cơ quan quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời cần sử dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây hiện còn sử dụng được, cần huy động các phương tiện đang được trang bị ở các đơn vị phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử để tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.

3. Kết thúc bầu cử, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí phải quyết toán số kinh phí bầu cử đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp.

4. Cùng với số kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII do ngân sách Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu công việc và khả năng ngân sách; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi:

Kinh phí phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII được sử dụng chi cho các nội dung sau:

a) Chi tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử:

- Chi in ấn thẻ cử tri, phiếu bầu, nội quy nơi bầu cử, viết thẻ cử tri, danh sách cử tri, phù hiệu cho nhân viên tổ chức bầu cử, biên bản bầu cử; Các biểu mẫu, tiểu sử, danh sách người ứng cử, người tự ứng cử, người trúng cử và các loại giấy tờ khác phục vụ cho công tác bầu cử;

- Chi soạn thảo, in ấn tài liệu phục vụ, hướng dẫn công tác bầu cử;

- Chi về tài liệu phục vụ cho cuộc bầu cử như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các ấn phẩm phục vụ cho cuộc bầu cử.

b) Chi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chi phí hành chính cho công tác bầu cử:

- Chi tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bầu cử;

- Chi văn phòng phẩm, chi phí hành chính trong đợt bầu cử;

- Chi thông tin liên lạc phục vụ bầu cử;

- Chi thuê hội trường và địa điểm bỏ phiếu;

- Chi về trang trí loa đài, bảo vệ tại tổ bầu cử;

- Chi làm hòm phiếu bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử;

- Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử;

- Chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác bầu cử.

c) Chi tổ chức hội nghị:

- Chi hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử;

- Hội nghị tập huấn, hội nghị triển khai, hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết, khen thưởng.

d) Chi cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử:

[...]