BỘ TÀI CHÍNH
---------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 102/2020/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2020
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026
Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân số 85/2015/QH13;
Căn cứ Nghị định
số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định
số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Thực hiện phân
công số 06/HĐBCQG-CTĐB ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia về
phân công soạn thảo và ban hành văn bản phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;
Theo đề nghị của
Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ
Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Điều 1. Quy định chung
1. Kinh phí phục vụ
cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do ngân sách nhà nước đảm bảo.
2. Cùng với số
kinh phí phục vụ bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực
tế tại địa phương, yêu cầu công việc và khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân
cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để phục vụ
cho công tác bầu cử tại địa phương.
3. Kinh phí phục vụ
cho công tác bầu cử phải được các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ, chi tiêu
theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả; sử dụng các phương tiện phục vụ
các cuộc bầu cử trước đây hiện còn sử dụng được, huy động các phương tiện đang
được trang bị ở các cơ quan, đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử đảm bảo tiết
kiệm chi cho ngân sách nhà nước.
Điều 2. Nội dung chi
Kinh phí phục vụ
cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm
kỳ 2021-2026 được sử dụng chi cho các nội dung sau:
1. Chi xây dựng
các văn bản hướng dẫn phục vụ công tác bầu cử; các báo cáo, văn bản liên quan đến
công tác bầu cử.
2. Chi in ấn tài
liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử:
a) Chi in ấn các
tài liệu phục vụ cho cuộc bầu cử như: Luật Bầu cử
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật; các ấn phẩm, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phục vụ cho cuộc bầu cử;
b) Chi in ấn: Thẻ
cử tri, phiếu bầu cử, nội quy phòng/khu vực bỏ phiếu, các biểu mẫu phục vụ công
tác bầu cử, phù hiệu cho nhân viên tổ chức bầu cử; các hồ sơ ứng cử, tiểu sử,
các loại danh sách phục vụ công tác bầu cử (danh sách các đơn vị bầu cử, danh
sách cử tri, danh sách người ứng cử, người tự ứng cử, người trúng cử); các biên
bản liên quan đến bầu cử, giấy chứng nhận đại biểu trúng cử và các loại tài liệu,
giấy tờ khác có liên quan phục vụ cho công tác bầu cử.
3. Chi xây dựng, cập
nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử
quốc gia; chi trang thiết bị phục vụ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
4. Chi cho công
tác bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu
cử.
5. Chi tổ chức các
hội nghị: Hội nghị triển khai công tác bầu cử, hội nghị trực tuyến, hội nghị hiệp
thương, hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; hội nghị tập
huấn, hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết, khen thưởng.
6. Chi cho công
tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử:
a) Chi phương tiện
đi lại, công tác phí;
b) Chi vận chuyển phiếu
bầu, quản lý và kiểm phiếu bầu;
c) Chi khác liên
quan đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử.
7. Chi công tác tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo về
công tác bầu cử.
8. Chi phí hành
chính cho công tác bầu cử:
a) Chi văn phòng
phẩm, chi phí hành chính trong đợt bầu cử;
b) Chi thông tin
liên lạc phục vụ bầu cử;
c) Chi thuê hội
trường và địa điểm bỏ phiếu;
d) Chi trang trí,
loa đài, an ninh, bảo vệ tại các tổ bầu cử;
đ) Chi làm hòm phiếu
bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử, bảng niêm yết danh sách bầu cử;
e) Chi bồi dưỡng
cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử;
g) Chi khác phục vụ
trực tiếp cho công tác bầu cử.
Trong phạm vi kinh
phí phục vụ bầu cử được cơ quan có thẩm quyền phân bổ và tình hình thực tế, các
cơ quan, đơn vị được giao sử dụng kinh phí thực hiện bố trí kinh phí chi tiêu
theo các nội dung trên đây cho phù hợp và đảm bảo theo đúng các quy định hiện
hành.
Điều 3. Mức chi tại Trung
ương
1. Chi tổ chức hội
nghị: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC
ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ
chi hội nghị.
Chi tổ chức tập huấn
cho cán bộ tham gia phục vụ công tác tổ chức bầu cử thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3
năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
và Quyết định số 323/QĐ-BTC ngày 01 tháng 3
năm 2019 của Bộ Tài chính đính chính Thông tư số 36/2018/TT-BTC
ngày 30 tháng 3 năm 2018.
Riêng chi tổ chức
các hội nghị do Hội đồng bầu cử quốc gia triệu tập áp dụng theo chế độ chi phục
vụ kỳ họp Quốc hội gần nhất đối với các nội dung: ăn, nghỉ, giải khát, bồi dưỡng
đại biểu tham dự.
2. Chi bồi dưỡng
các cuộc họp:
a) Các cuộc họp của
Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
- Chủ trì cuộc họp:
200.000 đồng/người/buổi.
- Thành viên tham
dự: 100.000 đồng/người/buổi.
- Các đối tượng phục
vụ: 50.000 đồng/người/buổi.
b) Các cuộc họp
khác liên quan đến công tác bầu cử:
- Chủ trì cuộc họp:
150.000 đồng/người/buổi.
- Thành viên tham
dự: 80.000 đồng/người/buổi.
- Các đối tượng phục
vụ: 50.000 đồng/người/buổi.
3. Chi công tác chỉ
đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử
quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam:
Ngoài chế độ thanh
toán công tác phí theo quy định hiện hành, các đoàn công tác được chi như sau:
a) Trưởng đoàn
giám sát: 200.000 đồng/người/buổi.
b) Thành viên
chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi.
c) Cán bộ, công chức,
viên chức phục vụ đoàn giám sát:
- Phục vụ trực tiếp
đoàn giám sát: 80.000 đồng/người /buổi.
- Phục vụ gián tiếp
đoàn giám sát (Lái xe, bảo vệ lãnh đạo): 50.000 đồng/người/buổi.
d) Chi xây dựng
báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát:
- Báo cáo tổng hợp
kết quả của từng đoàn công tác; báo cáo tổng hợp kết quả của đợt kiểm tra, giám
sát; báo cáo tổng hợp kết quả các đợt kiểm tra, giám sát trình Ủy ban thường vụ
Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia: 2.500.000 đồng/báo cáo.
- Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân, chuyên gia: Thực
hiện theo Khoản 2 Điều 14 Nghị Quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày
20 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo
đảm hoạt động của Quốc hội, mức chi từ 100.000 đồng/lần đến 300.000 đồng/lần, tổng
mức chi xin ý kiến tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.
- Chỉnh lý, hoàn
chỉnh báo cáo: 600.000 đồng/báo cáo.
4. Chi xây dựng
văn bản:
a) Chi xây dựng
các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ
Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và
hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư 338/2016/TT-BTC);
b) Chi xây dựng
các văn bản ngoài phạm vi điều chỉnh của Thông tư 338/2016/TT-BTC liên quan đến công tác bầu cử,
có phạm vi toàn quốc do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia,
các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành (kế hoạch, thông
tri, văn bản chuyên môn hướng dẫn công tác phục vụ bầu cử, báo cáo sơ kết, tổng
kết, biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước):
- Xây dựng văn bản:
2.000.000 đồng/văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh
lý). Riêng báo cáo tổng kết cuộc bầu cử báo cáo Quốc hội, mức tương đương soạn
thảo Nghị quyết của Quốc hội (văn bản mới) theo quy định tại điểm
b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC.
- Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân, chuyên gia: Mức
chi từ 100.000 đồng/người/lần đến 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến
tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.
5. Chi bồi dưỡng
cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:
a) Bồi dưỡng theo
mức khoán/tháng đối với các đối tượng sau:
- Chủ tịch, các
Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc
gia: Mức 2.200.000 đồng/người/tháng.
- Thành viên Hội đồng
bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn
phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Thường trực Văn phòng Hội
đồng bầu cử quốc gia: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Thành viên thuộc
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; thành viên các Tổ giúp việc Văn phòng Hội đồng
bầu cử quốc gia: 1.800.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hưởng chế độ bồi dưỡng phục vụ công
tác bầu cử được tính từ thời gian Nghị quyết số 118/2020/QH14
ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc
gia và Nghị quyết số 04/2020/HĐBCQG ngày 16
tháng 9 năm 2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia có hiệu lực đến khi Hội đồng bầu
cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác
nhau chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao nhất. Danh sách chi bồi dưỡng thực hiện
theo Nghị quyết, Quyết định thành lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Các đối tượng
được huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử (ngoài các đối tượng
đã được huy động, trưng tập tham gia tại các Tiểu ban, các tổ giúp việc Văn
phòng Hội đồng bầu cử quốc gia) mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày; thời
gian hưởng chế độ chi bồi dưỡng không quá 15 ngày (không bao gồm những ngày
tham gia đoàn kiểm tra, giám sát; phục vụ trực tiếp dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo về bầu cử, ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử);
Trường hợp thời
gian huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử lớn hơn 15 ngày, thực
hiện chi bồi dưỡng theo mức chi tối đa: 1.500.000 đồng/người/tháng trên cơ sở
quyết định, văn bản huy động, trưng tập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Riêng 02 ngày
(ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử): Chi bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày,
áp dụng đối với tất cả các lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ bầu cử; danh
sách đối tượng được hưởng chế độ chi bồi dưỡng theo các quyết định, văn bản của
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Chi khoán hỗ trợ
cước điện thoại di động cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:
a) Mức hỗ trợ
500.000 đồng/người/tháng đối với:
- Chủ tịch, các
Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc
gia;
- Thành viên Hội đồng
bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn
phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; thường trực tổ giúp việc
cho Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thường trực
giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
- Thành viên thuộc
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
b) Trường hợp cần
thiết, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định danh sách cán bộ tham gia phục vụ
công tác bầu cử được hỗ trợ cước điện thoại di động, mức khoán hỗ trợ tối đa
không quá 300.000 đồng/người/tháng;
c) Thời gian hưởng hỗ trợ cước điện thoại di động
được tính theo thời gian thực tế phục vụ công tác bầu cử, từ thời điểm Nghị quyết
số 118/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của
Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Nghị quyết số 04/2020/HĐBCQG ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Hội
đồng bầu cử quốc gia có hiệu lực đến khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm
vụ.
7. Chi tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử:
a) Người được giao
trực tiếp công dân: 80.000 đồng/người/buổi;
b) Người phục vụ
trực tiếp việc tiếp công dân: 60.000 đồng/người/buổi;
c) Người phục vụ
gián tiếp việc tiếp công dân: 50.000 đồng/người/buổi.
8. Chi đóng hòm
phiếu:
Trường hợp hòm phiếu
cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 350.000 đồng/hòm
phiếu.
9. Chi khắc dấu:
Trường hợp dấu cũ
không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 250.000 đồng/dấu.
10. Chi bảng niêm
yết danh sách bầu cử:
Trường hợp chưa có
bảng niêm yết, hoặc bảng cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối
đa 1.500.000 đồng/bảng.
11. Chi xây dựng,
cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu
cử quốc gia: Thực hiện theo quy định tại quy định
tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng
9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử
dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành.
12. Chi công tác
tuyên truyền, in ấn: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.
13. Chi thiết bị
phục vụ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: Thực hiện theo đúng định mức, chế độ,
chi tiêu hiện hành trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm giao cho Văn phòng
Quốc hội.
14. Các khoản chi
phát sinh theo thực tế chưa được quy định mức chi tại văn bản này và các văn bản
quy phạm pháp luật khác, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Văn
phòng Quốc hội thống nhất quy định bổ sung; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban
hành bằng văn bản để triển khai thực hiện.
Các trường hợp đặc
biệt phát sinh vượt quá thẩm quyền của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn
phòng Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia quyết
định.
Điều 4. Mức chi tại địa phương
1. Đối với các nội
dung chi quy định tại Điều 2 Thông tư này: Căn cứ mức kinh
phí quy định tại Điều 3 Thông tư này, căn cứ mức kinh phí phục
vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo, căn cứ
tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ
tịch Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết
định về mức chi, thời gian được hưởng hỗ trợ cụ thể tại địa phương.
2. Đối với các nhiệm
vụ chi có tính đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi
tiêu đã quy định: Căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách
Trung ương đảm bảo theo thông báo và quy định tại Thông tư này, căn cứ tình
hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch
Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định
về mức chi cụ thể tại địa phương.
3. Các nội dung
chi khác: Thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành, thanh toán theo
thực tế, chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ trên cơ sở dự toán đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
Điều 5. Lập, chấp hành dự toán và hạch toán, quyết toán kinh phí
Việc lập dự
toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bầu cử thực hiện
theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách
nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng
dẫn thi hành, Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Về lập dự
toán:
a) Đối với các
Bộ, cơ quan Trung ương: Căn cứ nhiệm vụ, hoạt động phục vụ công tác bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
được Hội đồng bầu cử quốc gia giao, căn cứ các chế độ chi tiêu quy định tại
Thông tư này và các chế độ chi tiêu hiện hành, các Bộ, cơ quan Trung ương được
giao chủ trì tổ chức các hoạt động bầu cử, xây dựng dự toán kinh phí phục vụ
công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026 gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài
chính.
b) Đối với các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Căn cứ số lượng
cử tri tại địa phương, căn cứ các chế độ chi tiêu được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, các Tổ bầu cử, Ban bầu cử (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại
biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã) xây dựng dự toán kinh phí tổ chức bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình gửi Ủy ban bầu cử
cùng cấp tổng hợp gửi Ủy ban bầu cử cấp trên.
Ủy ban bầu cử cấp
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ số lượng Ủy Ban bầu cử các cấp;
Ban bầu cử (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân
cấp tỉnh, huyện, xã); số tổ bầu cử; số thành viên thuộc các Ủy ban bầu cử, Ban
bầu cử, Tổ bầu cử; số lượng cử tri tại địa phương; căn cứ các chế độ chi tiêu
quy định tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu hiện hành, tổng hợp, thẩm định
kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
của địa phương gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài chính.
c) Trên cơ sở dự
toán kinh phí do các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng,
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia xây dựng nguyên tắc, tiêu thức phân bổ kinh
phí bầu cử cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trình Hội đồng bầu cử quốc
gia quyết định. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng
bầu cử quốc gia tổng hợp phương án phân bổ kinh phí ngân sách trung ương bố trí
cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức phục vụ bầu cử gửi Bộ Tài
chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Về phân bổ
và giao dự toán:
a) Sau khi Thủ
tướng Chính phủ quyết định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu
đồng nhân dân các cấp, Bộ Tài chính thông báo mức kinh phí bầu cử cho Ủy ban bầu
cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, cơ quan Trung ương được
giao chủ trì tổ chức chuẩn bị bầu cử;
b) Căn cứ mức
kinh phí bầu cử được Bộ Tài chính thông báo, căn cứ vào số cử tri có trên địa
bàn, đặc điểm của từng vùng, khu vực, Uỷ ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương phê duyệt phương án phân bổ kinh phí bầu cử và giao cho Sở Tài
chính thông báo kinh phí bầu cử cho các cơ quan, tổ chức liên quan ở cấp tỉnh
và các Ủy ban bầu cử cấp huyện. Ủy ban bầu cử cấp huyện quyết định phân bổ kinh
phí và giao cho Phòng Tài chính thông báo kinh phí bầu cử cho các Ủy ban bầu cử
cấp xã, Tổ bầu cử, Ban bầu cử và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa
bàn.
Trường hợp Ủy
ban bầu cử cấp huyện được thành lập trên cơ sở đơn vị bầu cử có từ 2 đơn vị
hành chính cấp huyện trở lên thì trụ sở Ủy ban bầu cử cấp huyện làm việc thuộc
quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nào thì Ủy ban bầu cử cấp huyện phân
bổ dự toán kinh phí bầu cử về cơ quan tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh đó.
3. Về tổ chức
thực hiện dự toán, kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán, quyết toán kinh phí: Các
cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định tại Luật
Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ
Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân
sách nhà nước qua kho bạc nhà nước. Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể
như sau:
a) Kinh phí bầu
cử được hạch toán vào chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng,
đoàn thể theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành;
b) Các Bộ, cơ
quan, đơn vị ở Trung ương được phân bổ kinh phí bầu cử có trách nhiệm quản lý,
sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng các quy định chi tiêu tài chính hiện
hành, cuối năm tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán năm của cơ quan, đơn vị
mình;
c) Các cơ quan,
đơn vị ở địa phương được phân bổ kinh phí bầu cử có trách nhiệm quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí bầu cử đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy
định hiện hành.
Trường hợp Tổ bầu
cử, Ban bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử
công bố kết quả bầu cử mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì Tổ
trưởng Tổ bầu cử, Trưởng Ban bầu cử giao trách nhiệm và uỷ quyền cho Uỷ viên Tổ
bầu cử, Uỷ viên Ban bầu cử là đại diện Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết
toán kinh phí với cơ quan tài chính cùng cấp.
Cơ quan tài
chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra xét duyệt quyết toán kinh phí của các cơ
quan, đơn vị sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử; Sở Tài chính có trách nhiệm tổng
hợp kinh phí bầu cử đã sử dụng vào báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và
quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.
d) Kết thúc hoạt
động bầu cử, trong vòng 90 ngày, các Bộ, cơ quan Trung ương và các Sở Tài chính
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tình hình phân bổ và sử dụng
kinh phí bầu cử về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Tài chính để tổng hợp
báo cáo cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Thông tư
này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 01 năm 2021.
2. Đối với khối lượng
công việc của các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trước khi văn bản
này có hiệu lực; các Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại văn bản này và
chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ để quyết toán kinh phí theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Căn cứ tình hình thực tế, trường hợp cần bổ sung các chế độ chính sách liên
quan đến công tác phòng, chống dịch Covid – 19, các bộ, ngành, địa phương thực
hiện theo các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hướng dẫn về công tác
phòng, chống dịch Covid – 19 đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
4. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức
chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng
văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
5. Trong quá trình
triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các các Bộ, cơ quan
trung ương và các địa phương phản ánh về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ
Tài chính để xử lý kịp thời./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các hội, đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu : VT, Vụ HCSN (N.T.H.N.....b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|