Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 08-TT-1964 hướng dẫn thi hành Điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô (ban hành do Nghị định 195-CP-1963) do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 08-TT
Ngày ban hành 18/06/1964
Ngày có hiệu lực 03/07/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Dương Bạch Liên
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
*******

Số: 08-TT

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 1964

 

 THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA BẰNG Ô-TÔ (BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 195-CP NGÀY 31-12-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ)

Từ ngày hòa bình được lập lại, ngành vận tải ô-tô đã giữ một vai trò tích cực trong việc vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho mọi yêu cầu về hoạt động kinh tế, văn hóa và chính trị.

Để có cơ sở pháp lý cho việc giao dịch, quan hệ giữa chủ hàng và bên vận tải, năm 1957 bộ Giao thông và bưu điện đã tạm thời ban hành Nghị định số 40-NĐ ngày 23-02-1957 quy định một số các nguyên tắc cơ bản về vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường bộ.

Tới nay nền kinh tế nước ta đã chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã căn bản hoàn thành thắng lợi, các cơ sở kinh tế, văn hóa đã và đang phát triển rộng rãi trong toàn miền Bắc, cả ở những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh nữa. Do đó tính chất cơ động của ngành vận tải ô-tô càng trở nên rộng lớn, nhất là hàng hóa vận chuyển bằng ô-tô lại rất là phức tạp, có nhiều loại, phải giao dịch quan hệ với nhiều cơ quan, nhiều xí nghiệp, công trường, nông trường rải khắp các nơi trong toàn quốc từ miền biển đến vùng rừng núi.

Trước tình hình này, Nghị định số 40-NĐ do Bộ Giao thông và bưu điện ban hành không còn thích ứng nữa, đòi hỏi phải được thay thế bằng những điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô, đường biển, đường sông riêng.

Bởi vậy, ngày 31-12-1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 195-CP ban hành điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô để quy định các nguyên tắc vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô. Điều 57 của điều lệ quy định: “Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bản điều lệ này”.

Thi hành Nghị định số 195-CP và điều 57 của điều lệ nói trên của Hội đồng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư này, giải thích và quy định các chi tiết cần thiết để hướng dẫn thi hành bản điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô của Hội đồng Chính phủ như sau:

MỤC ĐÍCH CỦA ĐIỀU LỆ

Bản điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô của Hội đồng Chính phủ ban hành đặt ra những quy tắc vận tải bằng ô-tô nhằm mục đích: “xây dựng và tăng cường công tác quản lý vận chuyển hàng hóa bằng ô-tô, đưa việc vận chuyển này đi dần vào kế hoạch để bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vận chuyển của Nhà nước và yêu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân”.

Để đạt được mục đích của điều lệ nói trên, các ngành, các cấp cần quán triệt nội dung tinh thần của điều lệ, đặc biệt là hai yếu tố quan trọng sau đây:

1. Bên chủ hàng và bên vận tải phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, không vin vào lý do này hay lý do khác để từ chối thi hành điều lệ hoặc thi hành điều lệ không đúng đắn, không đầy đủ.

2. Mặt khác, bên chủ hàng và bên vận tải phải đề cao tinh thần làm chủ, thực sự cộng tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa bằng cách cùng đôn đốc nhau, cùng bàn bạc với nhau giải quyết những trường hợp khó khăn, nhằm sử dụng hợp lý nhất, tiết kiệm nhất phương tiện vận tải để nâng cao năng suất bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch vận chuyển hàng hóa.

Dưới chế độ của ta, công tác vận tải, công tác lưu thông hàng hóa đều là kế hoạch chung của Nhà nước nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước chúng ta. Cho nên vấn đề sử dụng hợp lý và tiết kiệm phương tiện vận tải, vấn đề thực hiện kế hoạch vận chuyển hàng hóa đều là nhiệm vụ chung của bên vận tải cũng như bên chủ hàng. Do đó, hai bên phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ, đồng thời phải hợp tác chặt chẽ với nhau, thực sự giúp đỡ lẫn nhau để bảo đảm hoàn thành kế hoạch vận chuyển  của Nhà nước, yêu cầu vận chuyển của nhân dân. Đó là những yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng.

Ngoài ra, điều lệ của Hội đồng Chính phủ còn giao quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể cho các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh vận chuyển hàng đột xuất, các Ủy ban hành chính các địa phương giải quyết các trường hợp xe đến không tìm được người nhận hàng để trả hàng, hàng hóa nguy hiểm có triệu chứng không an toàn trong lúc vận chuyển phải dỡ xuống dọc đường, hàng hóa không thể tiếp tục vận chuyển vì tắc giao thông v.v… để kịp thời giải quyết những trường hợp cần thiết của các địa phương và những trường hợp khó khăn của bên chủ hàng và bên vận tải, nhằm mục đích để bảo vệ hàng hóa của Nhà nước và của nhân dân.

Đồng thời, điều lệ của Hội đồng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các Sở, Ty Giao thông vận tải phải đứng trung gian dàn xếp các vụ tranh chấp, xích mích giữa chủ hàng và bên vận tải đối với việc vận chuyển hàng hóa và thực hiện kế hoạch vận tải cũng là nhằm mục đích tăng cường đảm bảo cho việc thực hiện kế hoạch vận tải, kế hoạch lưu thông hàng hóa của Nhà nước và của nhân dân.

Chương I

NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Phạm vi áp dụng của điều lệ

Điều 1 của điều lệ quy định: “Bản điều lệ này áp dụng cho tất cả các loại ô-tô dùng vào việc chuyên chở hàng hóa có mục đích kinh doanh vận tải chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp: xe của các xí nghiệp vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh, các xe chủ lực của các cơ quan, xí nghiệp khác.

Các xe của các tổ chức khác, kể cả các xe vận tải của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, khi vận chuyển hàng thuê cũng thuộc phạm vi áp dụng điều lệ này”.

Các xe chủ lực của các cơ quan, xí nghiệp khác, các xe của các tổ chức khác, kể cả các xe vận tải của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang thuộc phạm vi áp dụng điều lệ này nói trên đây là chỉ các xe do cơ quan giao thông vận tải điều động hay phân phối hàng để vận chuyển.

2. Các nguyên tắc về thuê chở và nhận chở.

Về nguyên tắc thuê chở và nhận chở, khoản a và khoản e của điều 2 trong điều lệ quy định:

“a) Thuê chở có thể thuê cả chuyến xe, thuê chở hàng lẻ hoặc thuê chở khoán từng khối lượng hàng nhất định.

e) Đối với những loại hàng quý, không có giá trên thị trường, khi làm giấy gửi hàng, bên chủ hàng phải khai giá. Giá hàng khai phải phù hợp với biểu giá hàng hóa của Nhà nước. Trong trường hợp hàng gửi không có trong biểu giá của Nhà nước thì giá khai do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì do Hội đồng vật giá quyết định…”

Để các khoản a và e trên đây thi hành được tốt, đáp ứng được yêu cầu đặc biệt của chủ hàng, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh vận chuyển bằng ô-tô hiện nay, Bộ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:

- Ngoài các hình thức thuê chở quy định ở khoản a trên đây, chủ hàng cũng có thể thuê chở theo hình thức tấn xe/giờ, tấn xe/cây số.

[...]