Thông tư 06/2000/TT-BKH hướng dẫn Quyết định 38/2000/QĐ-TTg về sửa đổi Quyết định 531/TTg về quản lý các chương trình quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 06/2000/TT-BKH
Ngày ban hành 27/06/2000
Ngày có hiệu lực 27/06/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Phan Quang Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2000/TT-BKH

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 06/2000/TT-BKH NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2000/QĐ-TTG, NGÀY 24/3/2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 24/3/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2000/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 531/TTg ngày 08/8/1996 về quản lý các chương trình quốc gia. Căn cứ vào các điều quy định có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Việc xây dựng kế hoạch của các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) thực hiện như sau:

1. Ở cấp tỉnh, thành phố

a) Quy trình xây dựng kế hoạch.

Hàng năm vào giai đoạn xây dựng kế hoạch (tháng 8, tháng 9), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) giao nhiệm vụ cho:

- Các Sở, ban, ngành quản lý chương trình, căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan cấp trên, tiến hành đánh giá tình hình thực hiện chương trình và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí cho việc thực hiện chương trình trong năm kế hoạch; đồng thời làm việc thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để đưa vào kế hoạch chung của tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp chung tình hình thực hiện của tất cả các chương trình do địa phương quản lý; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách và nguồn lực đề thực hiện chương trình trong năm kế hoạch. Nguồn lực bao gồm: kinh phí bổ sung có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương (Kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp), vốn vay tín dụng (nếu có), kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách địa phương, huy động từ cộng đồng; tổng hợp đưa vào kế hoạch chung của địa phương để trình UBND tỉnh xem xét thông qua.

b) Tổ chức làm việc với các cơ quan quản lý chương trình (CQQLCT) ở Trung ương.

UBND tỉnh tổ chức làm việc với các CQQLCT ở Trung ương về tình hình thực hiện chương trình và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu kinh phí từ Ngân sách Trung ương (bao gồm kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp) và vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (nếu có); các cơ chế chính sách trong năm kế hoạch. Trong quá trình làm việc, CQQLCT phải có ý kiến chỉ đạo cụ thể cho UBND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, cân đối bước đầu về nguồn kinh phí, hướng bố trí sử dụng và các biện pháp về quản lý điều hành để thực hiện chương trình. Văn bản kế hoạch của UBND tỉnh (đã làm việc với CQQLCT ở Trung ương) gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý chương trình để tổng hợp.

2. Ở cấp Trung ương.

a) Trong giai đoạn xây dựng kế hoạch (tháng 8, tháng 9 hàng năm), CQQLCT căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực của chương trình và các ưu nhược điểm của công tác quản lý, điều hành thực hiện chương trình trong năm báo cáo; đồng thời căn cứ vào văn bản kế hoạch của UBND các tỉnh, tổng hợp cân đối, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu nguồn lực của chương trình cho năm kế hoạch. Nguồn lực bao gồm kinh phí từ Ngân sách Trung ương (kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp), vốn vay tín dụng (nếu có) và huy động đóng góp từ cộng đồng theo quy định hiện hành. Văn bản kế hoạch gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp.

b) Sau khi nhận được văn bản của CQQLCT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình thực hiện trong năm kế hoạch và dự kiến cân đối kinh phí từ nguồn Ngân sách Nhà nước cho từng chương trình và tổng hợp vào kế hoạch chung của Nhà nước để báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua.

c) Sau khi đã được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính thông báo các chỉ tiêu về mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực của từng chương trình MTQG cho CQQLCT; CQQLCT chủ trì dự kiến phân bổ cho các Bộ, ngành và địa phương, văn bản phân bổ kế hoạch gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch chung của từng Bộ, ngành và địa phương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành và các địa phương để thực hiện.

II. VỀ GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH

1. Đối với UBND tỉnh, các chỉ tiêu được giao và các bước triển khai thực hiện giao kế hoạch như sau:

- Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các tỉnh, thành phố về chỉ tiêu tổng kinh phí của tất cả các CTMTQG, CTMT được áp dụng cơ chế của CTMTQG. Trong đó chia ra kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ tiêu hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình thực hiện trên địa bàn.

- Các CQQLCT hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các định mức chi tiêu để các tỉnh chủ động thực hiện.

a) Chỉ tiêu tổng kinh phí của các chương trình:

- Chỉ tiêu Tổng kinh phí của các chương trình được giao cho UBND tỉnh, là toàn bộ kinh phí của tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu được thực hiện theo cơ chế tài chính của CTMTQG (chỉ áp dụng trong năm 2000) do địa phương quản lý (Bao gồm chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp).

Riêng đối với CTMTQG về việc làm thì trong vốn đầu tư phát triển có vốn cho vay theo dự án nhỏ GQVT và vốn đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ việc làm.

- Trong chỉ tiêu tổng kinh phí được giao không bao gồm kinh phí chi quản lý chương trình. Kinh phí quản lý chương trình do Ngân sách địa phương đảm bảo.

- Tổng kinh phí của các CTMTQG và CTMT được giao cho UBND tỉnh là nguồn cân đối từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ Ngân sách địa phương để chi cho tất cả danh mục chương trình, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao thực hiện trên địa bàn. UBND tỉnh được hoàn toàn chủ động trong việc lồng ghép, phân bổ kinh phí cho từng chương trình cụ thể, không chờ sự hướng dẫn thêm về mức kinh phí và cơ cấu phân bổ kinh phí của các Bộ, ngành Trung ương. Song, phải chịu sự hướng dẫn về nhiệm vụ chuyên môn của CQQLCT, về định mức chi tiêu theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với CQQLCT.

b) Chỉ tiêu mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình được giao thực hiện trên địa bàn.

- Tất cả các danh mục, các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình được giao cho UBND tỉnh đều được cân đối kinh phí trong tổng nguồn kinh phí đã được giao cho UBND tỉnh và do UBND tỉnh chủ động bố trí kinh phí cụ thể cho từng chương trình, từng mục tiêu, nhiệm vụ; đảm bảo tất cả các chương trình có tên trong danh mục và các mục tiêu, nhiệm vụ đã giao đều được bố trí kinh phí và được tổ chức thực hiện tốt, tránh tình trạng kinh phí của chương trình thì sử dụng hết nhưng mục tiêu, nhiệm vụ thì không được thực hiện.

[...]