THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
531-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Nhằm tăng cường quản lý các Chương trình Quốc gia;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Chương trình Quốc gia là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ
về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, môi trường, cơ chế chính sách, tổ chức
để thực hiện một hoặc một số mục tiêu đã được xác định trong chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong một thời gian nhất định.
Một Chương trình Quốc gia gồm nhiều
dự án khác nhau để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Đối tượng quản lý
và kế hoạch hoá được xác định theo chương trình, đầu tư được thực hiện theo dự
án.
Điều 2.-
Dự án của Chương trình Quốc gia là một tập hợp các hoạt động để tiến hành một
công việc nhất định nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu cụ thể đã định rõ
trong chương trình với một khoản ngân sách và một thời hạn thực hiện được xác định.
Điều 3.-
Tiêu chuẩn lựa chọn Chương trình Quốc gia:
- Các vấn đề được chọn để giải
quyết bằng Chương trình Quốc gia phải là những vấn đề có tính cấp bách, liên
ngành, liên vùng và có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước, cần phải được tập trung chỉ đạo giải quyết;
- Mục tiêu của Chương trình Quốc
gia phải rõ ràng, lượng hoá được và nằm trong chiến lược chung của quốc gia;
- Thời gian thực hiện chương
trình phải quy định giới hạn, thường là 5 năm, hoặc phân kỳ thực hiện cho từng
giai đoạn 5 năm.
II. XÂY DỰNG
CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA
Điều 4.-
Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn hay dài hạn, các Bộ, Uỷ ban Quốc
gia, Tổng cục (sau đây gọi chung là Bộ) đề xuất các vấn đề kinh tế - xã hội bức
xúc cần đưa vào danh mục các Chương trình Quốc gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ
Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính lựa chọn, lập danh mục các Chương
trình Quốc gia và dự kiến cơ quan quản lý chương trình để Chính phủ xem xét và
trình Quốc hội quyết định trong từng kỳ kế hoạch.
Điều 5.-
Cơ quan được giao quản lý Chương trình Quốc gia chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ
chức xây dựng chương trình. Việc xây chương trình, dự án được tiến hành vào
giai đoạn xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Khi xây dựng kế
hoạch hàng năm có thể đề xuất thêm chương trình mới hoặc giảm bớt chương trình
đã có.
Điều 6.-
Nội dung Chương trình Quốc gia gồm:
- Đánh giá thực trạng tình hình
của lĩnh vực mà chương trình sẽ xử lý, luận chứng những vấn đề cấp bách phải giải
quyết bằng Chương trình Quốc gia;
- Xác định phạm vi, quy mô và mục
tiêu chung của chương trình, các chỉ tiêu cơ bản phải đạt được trong từng khoảng
thời gian cụ thể;
- Xác định tổng
mức vốn của chương trình, trong đó chia ra mức vốn theo từng năm, phương thức
huy động các nguồn vốn;
- Xác định hiệu quả kinh tế - xã
hội chung của chương trình và của các dự án đầu tư;
- Đề xuất khả năng lồng ghép với
các chương trình khác;
- Kế hoạch, tiến độ tổ chức thực
hiện chương trình, dự án;
- Sự hợp tác quốc tế (nếu có).
Điều 7.-
Các Chương trình Quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với Bộ Tài
chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thẩm định và trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt.
Chỉ sau khi chương trình đã được
phê duyệt mới được thể hiện trong kế hoạch.
Điều 8.-
Nguyên tắc lồng ghép hoạt động của các Chương trình Quốc gia được thực hiện như
sau:
- Việc lồng ghép các phần liên
quan về mục tiêu, các hoạt động và tổ chức giữa các Chương trình Quốc gia nhằm
tránh trùng lặp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, được xem xét ngay từ khi
đề xuất, xây dựng, bố trí kế hoạch, theo dõi cho đến các giai đoạn thực hiện,
đánh giá chương trình;
- Cơ quan quản lý chương trình
có trách nhiệm đề xuất nội dung, hình thức, cơ chế lồng ghép với các Chương
trình Quốc gia khác;
- Trong quá trình xem xét thẩm định,
bố trí vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiến nghị phương
án lồng ghép, đồng thời phân bổ vốn cho các hoạt động lồng ghép đó để trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét quyết định giao nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm cho
các Bộ quản lý chương trình;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham gia quản lý, tổ chức việc
thực hiện và lồng ghép các hoạt động liên quan của các Chương trình Quốc gia
trên địa bàn.
Điều 9.-
Khi xây dựng kế hoạch hàng năm hoặc kế hoạch 5 năm, nếu các điều kiện cân đối
hoặc mục tiêu chương trình có thay đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và
cơ quan quản lý chương trình phải trình Chính phủ để điều chỉnh chương trình với
nội dung sau:
- Đánh giá phần chương trình đã
thực hiện;
- Luận chứng về sự cần thiết và
lý do điều chỉnh;
- Nội dung điều chỉnh;
- Ảnh hưởng của những điều chỉnh
đó đối với mục tiêu cuối cùng của chương trình và hiệu quả của việc điều chỉnh.
Điều 10.-
Cơ quan quản lý Chương trình Quốc gia và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nơi thực hiện Chương trình Quốc gia phải báo cáo định kỳ (hàng
quý và hàng năm) về tình hình thực hiện các mục tiêu, kinh phí v.v... theo mẫu
biểu quy định. Cơ quan quản lý chương trình phải phối hợp với các Bộ, ngành và
địa phương liên quan tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các chương trình có thời
hạn 5 năm hoặc phân kỳ thực hiện 5 năm. Các báo cáo trên gửi Thủ tướng Chính phủ,
đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Bộ quản lý chương trình chịu
trách nhiệm chủ trì cùng các Bộ, ngành và địa phương có liên quan đánh giá,
nghiệm thu kết quả thực hiện Chương trình Quốc gia, làm báo cáo tổng kết hoàn
thành chương trình do Bộ quản lý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
III. CƠ CHẾ
TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA:
Điều 11.-
Hàng năm trên cơ sở bố trí nhiệm vụ kế hoạch, mục tiêu của các Chương trình Quốc
gia, Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mức cân đối ngân
sách cho từng Chương trình Quốc gia trong kế hoạch chung về dự toán ngân sách
Nhà nước để Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định.
Điều 12.-
Căn cứ vào mức ngân sách được được duyệt cho từng chương trình, cơ quan quản lý
chương trình dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, địa phương để Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp chung vào kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Điều 13.-
Kính phí để thực hiện Chương trình Quốc gia được bố trí từ ngân sách Trung ương
do Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho các Bộ, ngành để thực hiện các dự án do Trung
ương quản lý, cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính vật giá để thực hiện các dự án của
chương trình do địa phương quản lý. Việc quản lý chi tiêu và thanh quyết toán
kinh phí của các Chương trình Quốc gia được thực hiện theo các quy định hiện
hành.
Điều 14.- Để
thực hiện các mục tiêu của chương trình, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước,
cần huy động thêm vốn tín dụng trong và ngoài nước, huy động sự đóng góp của
các tổ chức, cá nhân. Đối với nguồn vốn huỵ động được từ nhân dân thì cơ quan
quản lý chương trình và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương nơi thực hiện chương trình được sử dụng vào các công việc thuộc nội dung
chương trình; nhưng phải quản lý và thanh quyết toán theo các quy định hiện
hành.
IV. QUẢN LÝ
VÀ ĐIỀU HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA.
Điều 15.-
Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thẩm định, lồng ghép, quản lý, điều
hành, kiểm tra và đánh giá các Chương trình Quốc gia;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, căn cứ vào phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, dài hạn của
Nhà nước và đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, lựa chọn lập danh mục các
Chương trình Quốc gia và cơ quan quản lý chương trình để Chính phủ xem xét
trình Quốc hội quyết định;
- Cùng với Bộ Tài chính đề xuất
mức phân bổ kinh phí ngân sách cho từng Chương trình Quốc gia để tổng hợp vào kế
hoạch ngân sách chung của Nhà nước trình Chính phủ.
Điều 16.-
Nhiệm vụ của Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư phân bổ kinh phí ngân sách cho từng Chương trình Quốc gia, tổng hợp,
đưa vào kế hoạch ngân sách chung của Nhà nước để Chính phủ xem xét trình Quốc hội
quyết định.
- Cấp phát kinh phí cho từng
chương trình, dự án đã được xét duyệt theo kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra các cơ
quan quản lý Chương trình Quốc gia thực hiện đúng các quy định tài chính - kế
toán hiện hành. Tổng hợp tình hình cấp phát kinh phí hàng năm cho từng chương
trình và duyệt quyết toán kinh phí Chương trình Quốc gia và các dự án đã kết
thúc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 17.-
Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Chương trình Quốc gia: - Các cơ quan quản lý
Chương trình Quốc gia có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, địa phương có
liên quan tổ chức, xây dựng chương trình, dự án theo sự phân công của Chính phủ,
gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt;
- Thành lập Ban chủ nhiệm Chương
trình Quốc gia để giúp thủ trưởng cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện chương
trình và giải thể Ban này khi kết thúc chương trình. Chủ nhiệm chương trình là
một đồng chí lãnh đạo Bộ, các thành viên gồm đại diện có thẩm quyền của các bộ
phận: kế hoạch, tài vụ và các bộ phận có liên quan. Quy chế hoạt động của Ban
Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia do cơ quan quản lý chương trình quyết định trên
cơ sở tuân thủ các quy định tại các Quyết định này;
- Đối với những Chương trình Quốc
gia có tầm quan trọng đặc biệt cần có thành viên của các Bộ và địa phương tham
gia Ban chủ nhiệm, thành phần Ban chủ nhiệm chương trình và quy chế hoạt động của
Ban chủ nhiệm do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Chịu trách nhiệm quản lý, phân
bổ kinh phí và tổ chức công tác kế toán để quản lý nguồn kính phí của chương
trình theo đúng chế độ quản lý tài chính của Nhà nước;
- Chịu trách nhiệm quyết toán
kinh phí của chương trình với Bộ Tài chính và chịu sự kiểm toán của cơ quan Kiểm
toán Nhà nước theo các quy định hiện hành.
Điều 18.-
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:
- Tham gia vào việc xây dựng và
quản lý các Chương trình Quốc gia trên địa bàn;
- Đề nghị thay đổi mục tiêu dự
án của chương trình trên địa bàn khi thấy mục tiêu dự án đó không phù hợp và không
sát với tình hình thực tế của địa phương.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để
chương trình có thể tiến hành tốt, tổ chức lồng ghép và triển khai thực hiện
các hoạt động của chương trình trên địa bàn;
- Thành lập Ban chỉ đạo các
Chương trình Quốc gia của địa phương để giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trong việc lập kế hoạch, thực hiện và điều hành các Chương
trình Quốc gia trên địa bàn. Trưởng ban chỉ đạo là một đồng chí lãnh đạo Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên là đại diện có
thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá và các Sở chuyên
ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thường trực.
V. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH