Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 04/2003/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 04/2003/TT-BTP
Ngày ban hành 28/10/2003
Ngày có hiệu lực 18/11/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 04/2003/TT-BTP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2003

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 65/2003/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2003/NĐ-CP) như sau:

1. Về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật

1.1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói tại Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định tại Bộ luật dân sự.

1.2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp muốn thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP thì phải thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định này.

1.3. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương mình.

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương, cấp ngành Trung ương được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi cả nước.

2. Về việc đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

2.1. Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản) cấp tỉnh thành lập thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của tổ chức chủ quản.

Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản cấp Trung ương, cấp ngành Trung ương thành lập thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm.

2.2. Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản ra quyết định thành lập Trung tâm ban hành, phù hợp với Điều lệ chung và các quy định khác của tổ chức chủ quản đó.

2.3. Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật có nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Lĩnh vực hoạt động;

c) Cơ cấu tổ chức, quản lý;

d) Quyền và nghĩa vụ của tư vấn viên pháp luật, nhân viên của Trung tâm tư vấn pháp luật;

đ) Chế độ phụ cấp hoặc thù lao đối với tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật;

e) Các trường hợp chấm dứt hoạt động;

g) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật.

2.4. Giấy tờ xác nhận về địa điểm làm việc của Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là bản sao công chứng hợp đồng thuê nhà làm trụ sở của Trung tâm hoặc văn bản của tổ chức chủ quản xác nhận về địa điểm giao dịch và làm việc của Trung tâm.

3. Về phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

3.1. Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP.

3.2. Trung tâm tư vấn pháp luật không được cử tư vấn viên pháp luật thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong trường hợp tổ chức chủ quản cử tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của tổ chức mình hoặc các đối tượng khác theo quy định của pháp luật tố tụng, thì tư vấn viên pháp luật đó không được lấy danh nghĩa là tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật.

4. Về việc đặt chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật

4.1. Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật nói tại Khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm, do Trung tâm đặt tại địa phương, nơi đặt trụ sở chính của tổ chức chủ quản. Chi nhánh được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.

4.2. Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật phải có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật. Trung tâm tư vấn pháp luật cử một tư vấn viên pháp luật làm Trưởng chi nhánh.

[...]