Thông tư 02/2024/TT-BQP về công tác đăng kiểm tàu quân sự do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 02/2024/TT-BQP
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 27/02/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Lê Huy Vịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2024/TT-BQP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

THÔNG TƯ

VỀ CÔNG TÁC ĐĂNG KIỂM TÀU QUÂN SỰ

Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư về công tác đăng kiểm tàu quân sự.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đăng kiểm tàu quân sự và quản lý công tác đăng kiểm tàu quân sự trong Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, cơ sở đăng kiểm tàu quân sự; cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tàu quân sự; cơ sở đóng và sửa chữa tàu quân sự; cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đăng kiểm tàu quân sự.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng kiểm tàu quân sự là hoạt động kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu quân sự trong đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa, tiếp nhận, mua sắm, nhập khẩu, sửa chữa cấp vừa trở lên (sau đây gọi tắt là sửa chữa) và khai thác sử dụng.

2. Xét duyệt tài liệu hướng dẫn tàu quân sự là việc kiểm tra, soát xét, xác nhận tài liệu hướng dẫn thỏa mãn các quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan.

3. Xét duyệt tài liệu thiết kế tàu quân sự là việc kiểm tra, soát xét, xác nhận tài liệu thiết kế tàu thỏa mãn các quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan hoặc tiêu chuẩn khác được Bộ Quốc phòng chấp nhận.

4. Sản phẩm công nghiệp là vật liệu, vật tư, máy, trang thiết bị dùng trong đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa và sửa chữa tàu quân sự.

5. Đóng tàu quân sự bao gồm các hoạt động đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa tàu quân sự

a) Đóng mới tàu quân sự là quá trình sử dụng vật tư, trang thiết bị, vũ khí, khí tài và lao động để tổ chức thi công đóng tàu theo tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Hoán cải tàu quân sự là quá trình kết hợp giữa sửa chữa, thay đổi kết cấu, trang thiết bị nhằm chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ công năng, cấu hình của tàu quân sự theo tài liệu thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Hiện đại hóa tàu quân sự là kết hợp quá trình giữa sửa chữa, nâng cấp, thay mới vũ khí trang bị kỹ thuật nhằm nâng cao tính năng chiến-kỹ thuật của tàu quân sự theo tài liệu thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Sửa chữa tàu quân sự là tổng hợp các hình thức và biện pháp nhằm khắc phục những hư hỏng, khôi phục và duy trì tính năng chiến-kỹ thuật, độ bền, độ tin cậy của tàu và trang bị kỹ thuật đồng bộ trên tàu.

Điều 4. Nguyên tắc đăng kiểm tàu quân sự

1. Tàu quân sự đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa, mua sắm, nhập khẩu, tiếp nhận, sửa chữa và đang khai thác sử dụng phải được cơ sở đăng kiểm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

[...]