Thông báo số 54/2006/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng về kế hoạch năm 2006; 5 năm 2006-2010 và sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 54/2006/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/03/2006 |
Ngày có hiệu lực | 13/03/2006 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Viết Muôn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2006/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2006 |
Ngày 16 tháng 02 năm 2006 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch năm 2006; 5 năm 2006-2010 và sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Tham dự có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội Vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Sau khi nghe Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo cáo và ý kiến đại diện các cơ quan, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Về thực hiện kế hoạch năm 2005 và 5 năm 2001-2005:
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu kế hoạch có mức tăng trưởng khá.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, sớm hoàn chỉnh báo cáo, trong đó cần đánh giá sâu sắc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch 5 năm 2001-2005, phân tích kỹ, nhìn nhận một cách toàn diện, nghiêm túc những nguyên tắc khách quan, chủ quan để có giải pháp thiết thực, khả thi cho giai đoạn sau.
2. Về kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và những kiến nghị của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam:
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao bứt phá trong việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010. Tiếp thu ý kiến các Bộ ngành, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sớm hoàn chỉnh báo cáo, lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo, triển khai kế hoạch 5 năm 2006-2010 cần lưu ý một số điểm sau:
a) Giữ vững vai trò chủ lực trong ngành: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải tiếp tục giữ vai trò chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Quy mô đội tàu vận tải biển và hệ thống cảng biển phải lớn mạnh để có thể cạnh tranh tốt trên thị trường, không ngừng nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đất nước. Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2006-2010 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cùng với quyết tâm và sự nỗ lực cố gắng phải có sự cân nhắc, tính toán khả thi chắc chắc.
b. Phát triển đội tàu biển: Cần khẩn trương tiếp tục thực hiện 22 tàu còn lại trong chương trình 32 tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (có 8 chiếc đang thi công và 14 chiếc đang triển khai các thủ tục), nhất là đối với 14 chiếc đang triển khai thủ tục, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển và kéo dài thời gian thực hiện; đồng thời cho phép được chuyển đổi 4 tàu 6.500 DWT thành 4 tàu 12.500 DWT như đề nghị của Tổng công ty tại văn bản số 173/CV-TGĐ ngày 28 tháng 02 năm 2006.
Trên cơ sở kế hoạch 5 năm được phê duyệt, Hội đồng quản trị Tổng công ty cần có kế hoạch cụ thể để chủ động chỉ đạo thực hiện theo quy chế quản lý mua, bán tàu hiện hành; tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư, đảm bảo hiệu quả của các dự án mua bán tàu biển.
c) Phát triển hệ thống cảng: Sớm hoàn thiện tổ chức sản xuất kinh doanh các cảng hiện có để bảo đảm các cảng được khai thác với hiệu quả cao nhất, có sức cạnh tranh các cảng khu vực.
Đối với cảng Sài Gòn: đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình chuyển đổi công năng khu hiện đại và di dời, phát triển cảng ra Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về sử dụng đất khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội, bán nhà xưởng và các công trình khác của cảng Sài Gòn làm vốn đầu tư thực hiện theo Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với cảng Hải Phòng: Sớm hoành thành việc nạo véc sâu thêm tuyến luồng vào cảng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại văn bản số 81/TTg-CN ngày 13 tháng 1 năm 2006; Tổng công ty cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để có thể tiếp tục mở rộng và phát triển cảng Hải Phòng ra khu vực Đình Vũ và Lạch Huyện.
Đối với cảng Cái Lân: Đồng ý chủ trương nạo vét sâu thêm đoạn luồng từ Cửa Lục ra Hòn Một bảo đảm cho tàu 40.000 DWT có thể vào cảng Cái Lân theo đúng Dự án đã được phê duyệt. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải sớm bố trí vốn để triển khai thực hiện trong năm 2006.
Phát triển càng trung chuyển quốc tế để có thể tham gia thị trường trung chuyển với các nước trong khu vực có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Văn phòng thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Giao các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất cơ chế, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thuê quản lý khai thác cảng mới, bến mới được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng chuyển các cảng, các doanh nghiệp trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực kinh doanh cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và góp phần tách bạch quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh.
d) Về phát triển hệ thống dịch vụ hàng hải: Việc đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ hàng hải cần được nghiên cứu một cách đồng bộ với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển để nâng cao hiệu quả cho cả dây chuyền vận tải, từ vận tải biển, cảng biển đến các dịch vụ hàng hải tại cảng và ngoài cảng.
đ) Về mở rộng ngành nghề kinh doanh: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cần tập trung phát huy ngành nghề truyền thống, có chuyên ngành sâu như phát triển đội tàu, hệ thống cảng biển và hệ thống dịch vụ hàng hải… để bảo đảm hoạt động có hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; việc triển khai các ngành nghề khác như: kinh doanh bảo hiểm, cho thuê văn phòng… thực hiện khi có đầy đủ điều kiện.
Việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở sửa chữa tàu biển có quy mô lớn và đóng mới tàu biển, yêu cầu Tổng công ty tính toán cân nhắc kỹ, chỉ triển khai khi đủ điều kiện và trình phê duyệt theo quy định.
Đồng ý thành lập Công ty tài chính theo quy định hiện hành để tham gia huy động vốn đầu tư cho các dự án của Tổng công ty.
e) Về cơ chế vốn đầu tư: Ngành hàng hải chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược kinh tế biển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải giữ vững là lực lượng trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển của cả nước, có đội tàu vận tải biển bà hệ thống cảng biển lớn nhất, đảm đương thị phần vận tải với tỷ trọng cao nhất. Tổng công ty cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cần huy động tối đa nguồn nội lực cho các chương trình đầu tư phát triển, chủ động xây dựng và đề xuất các phương án huy động vốn phù hợp với tiến trình đàm phán và những cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.
g) Về Chuyển đổi Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - côn ty con và phát triển thành Tập đoàn Hàng hải kinh doanh đa ngành: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sớm hoàn thành chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tính toán cụ thể đối với một số doanh nghiệp vận tải biển còn lại để có thể cổ phần hóa nhằm huy động thêm vốn phục vụ cho các chương trình đầu tư phát triển.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là đơn vị đầu tiên được thí điểm loại hình công ty mẹ - công ty con, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành Đề án. Vì vậy, Tổng công ty cần khẩn trương hoàn thiện Đề án Công ty mẹ Công ty con, Điều lệ về tổ chức hoạt động, quy chế tài chính để sớm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con làm tiền đề phát triển theo hướng hình thành Tập đoàn Hàng hải kinh doanh đa ngành, đa sở hữu.
Đối với Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển: Nếu các thất thoát tồn đọng về tài chính không có khả năng khắc phục, Tổng công ty xem xét, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục phá sản theo quy định hiện hành, trong đó lưu ý phải đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Công ty Hàng hải Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.