Thông báo 41/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 41/TB-VPCP
Ngày ban hành 28/01/2019
Ngày có hiệu lực 28/01/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2018 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2019

Ngày 03 tháng 01 năm 2019, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số cơ quan thuộc Quốc hội, Trung ương Đảng, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã; tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo: Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của các địa phương và cơ quan liên quan, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Cơ bản nhất trí với kết quả công tác năm 2018 được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đã đánh giá được thành tích, kết quả nổi bật, điểm sáng của ngành và những hạn chế trong chỉ đạo điều hành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong năm vừa qua.

1. Những kết quả đạt được

- Năm 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản, 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, vượt 05/05 chỉ tiêu Chính phủ giao: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,76%, mức cao nhất kể từ năm 2012; giá trị sản xuất tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu 40,02 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%; 42,4% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8,05% số xã và 18 đơn vị cấp huyện so với năm 2017).

- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao hơn; nhiều dự án chế biến nông sản lớn được triển khai, tạo động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao giá trị; tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, giá trị cao và thị trường thuận lợi.

- Xuất khẩu tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD; thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các thị trường lớn là Trung Quốc và EU; tích cực mở cửa các thị trường mới.

Đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tổ chức hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối cung cầu và quảng bá nông sản giúp ổn định thị trường, cung cấp sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nông dân.

- Công nghiệp chế biến chuyển mạnh sang chế biến sâu; thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sạch được quan tâm, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, thu hút nguồn lực và sự tham gia của xã hội. Đã có 3.787 xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã. Nhiều nơi xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

- Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh, trên 2.200 doanh nghiệp (tăng 12,3%) và 1.935 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới (tăng 63% so với năm 2017).

- Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vật tư nông nghiệp và hàng nông sản được triển khai, tập trung xử lý các hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư giả, kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến.

- Tổ chức tốt công tác thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm đáng kể thiệt hại.

- Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt mức cao kỷ lục.

- Công tác xây dựng thể chế, chính sách được đẩy mạnh (Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 Nghị định, 4 Quyết định). Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (đã rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; lược bỏ 5.930/7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành).

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chung sức, đồng lòng, tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và đạt được nhiều thành tích vượt bậc, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của cả nước.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới:

- Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa phổ biến, bền vững; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao.

- Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giống còn chậm, chưa tạo được nhiều giống vật nuôi, cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao với chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

- Công tác dự báo cung, cầu, thị trường, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản vẫn là khâu yếu nên có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng hàng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, mất giá, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người sản xuất hoặc ngược lại thiếu nguồn cung. Chưa nhiều sản phẩm nông sản được chế biến sâu.

- Chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản.

- Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là vi phạm về buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

- Kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; chỉ tiêu về nâng cao thu nhập bền vững chưa được quan tâm đúng mức; ô nhiễm môi trường, rác thải ở nông thôn chậm được khắc phục.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ