Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 60/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 60/TB-VPCP
Ngày ban hành 10/02/2018
Ngày có hiệu lực 10/02/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/TB-VPCP

Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2017 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2018 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 18 tháng 01 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Trong năm 2017, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7% - cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây; Lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2017 còn được coi là năm của những kỷ lục: vốn đầu tư nước ngoài đạt được gần 36 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua; số lượng doanh nghiệp thành lập mới với gần 127 nghìn doanh nghiệp; lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng 400 tỷ USD; nền kinh tế ước xuất siêu 2,7 tỷ USD...

Trong thành tích chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Giao thông vận tải nói chung, Bộ Giao thông vận tải nói riêng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động của ngành Giao thông vận tải đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, thể hiện ở một số công tác sau đây:

1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm thực hiện: đã chủ động rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các Luật, Nghị định, Thông tư... nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp làm công cụ quản lý cũng như tạo môi trường thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng;

2. Công tác quản lý vận tải tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản lượng vận tải năm 2017 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt 1.443 triệu tấn hàng, tăng 9,8%; đạt 4.082 triệu lượt hành khách, tăng 11,1%;

3. Công tác bảo đảm trật tự - an toàn giao thông, giảm ùn đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, làm bị thương 17.040 người. So với năm 2016, giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 người bị thương (giảm 11,62%).

4. Việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành được thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao; đã hoàn thiện các nội dung yêu cầu đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bộ đã tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh công tác chuẩn bị các dự án trọng điểm của Ngành như: Trình Quốc hội thông qua chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành; Xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất,...; Tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân cho các dự án, công trình giao thông vận tải;

5. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện hiệu quả;

6. Đã chủ động, triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; góp phần giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

7. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ngành Giao thông vận tải vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong năm 2018 và những năm tiếp theo:

a) Tình hình tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng, số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Tai nạn giao thông năm 2017 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so vi năm 2016, tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn không đạt được mức giảm từ 5% - 10%;

b) Công tác xây dựng thể chế tuy được tập trung triển khai nhưng vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao;

c) Chất lượng nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực của ngành GTVT còn thấp, nhưng việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, xây dựng mới còn chậm;

d) Công tác kế hoạch hóa trong đầu tư xây dựng để thực hiện quy hoạch còn chưa sát với tình hình thực tế đòi hỏi, do đó ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển;

đ) Công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án còn chậm, chất lượng dự án còn thấp;

e) Việc tổ chức thực hiện dự án còn có nhiều sai sót, công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình GTVT còn bất cập; tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư chưa được khắc phục có hiệu quả; Đặc biệt, việc tổ chức đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác hoạt động của các dự án BOT còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong xã hội, nhiều nơi trở thành điểm nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước;

g) Công tác quản lý đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả.

h) Sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải còn chưa được khắc phục hiệu quả, gây áp lực lớn cho lĩnh vực hàng không và đường bộ;

i) Công tác tái cơ cấu ngành GTVT (tái cơ cấu bộ máy quản lý, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được quan tâm thực hiện song hiệu quả chưa cao;

k) Nhu cầu đầu tư cho GTVT rất lớn, trong khi đó nguồn lực còn nhiều hạn chế.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2018:

Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam phải phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành một nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại và tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong khâu đột phát về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thì phát triển hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò then chốt (cùng với đó là hạ tầng điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn) và là một trong những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách rất hạn chế, nhưng Ngành Giao thông vận tải có nhiệm vụ hết sức nặng nề, tạo dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển đất nước.

[...]