Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 27/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 27/TB-VPCP
Ngày ban hành 21/01/2020
Ngày có hiệu lực 21/01/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2020

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN NĂM 2019 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2020

Ngày 23 tháng 12 năm 2019, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cao Đức Phát - Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã; tại đầu cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ý kiến phát biểu của đại diện các địa phương, các cơ quan liên quan, hiệp hội và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về kết quả đạt được

Năm 2019 tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, hoàn thành đạt và vượt toàn diện 12 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội, với nhiều kỷ lục được xác lập như tốc độ tăng GDP cả nước đạt 7,08%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 514 tỷ USD, khách quốc tế đến Việt Nam trên 18 triệu lượt người,... trong đó, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, nhất là bảo đảm an sinh xã hội; ngành nông nghiệp đã đạt và vượt 03/04 chỉ tiêu Chính phủ giao: Kim ngạch xuất khẩu đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại 10,4 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; 54% số xã và 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,01% (do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi).

Cơ cấu lại ngành phát huy hiệu quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chủ động điều chỉnh sản xuất dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường được chú trọng, kịp thời giải quyết vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh; có 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1,0 tỷ USD (trong đó gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều đạt trên 3 tỷ USD). Kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trong nông nghiệp phát triển mạnh, có trên 2.750 doanh nghiệp, 1.800 hợp tác xã thành lập mới. Công nghiệp chế biến chuyển mạnh sang chế biến sâu. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm; công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vật tư nông nghiệp và hàng nông sản được triển khai tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về sản phẩm an toàn.

Xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra, thu hút được nguồn lực và sự tham gia của xã hội (4.806 xã, tương đương 54% số xã; 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó Nam Định và Đồng Nai 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới), tạo đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, đời sống người dân nông thôn được cải thiện.

Hạ tầng nông nghiệp được củng cố; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, góp phần giảm thiệt hại so với năm 2018.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhất là dịch tả lợn châu Phi được triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến cơ sở và đạt hiệu quả rõ rệt, dịch bệnh cơ bản được khống chế, kịp thời chỉ đạo tái đàn có kiểm soát.

Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đáp ứng được trên 83% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách được đẩy mạnh; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

2. Tồn tại, hạn chế

Cơ cấu lại nông nghiệp chưa được triển khai đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chững lại. Tiến độ giải quyết “thẻ vàng” của EC còn chậm; thiên tai, cháy rừng còn gây thiệt hại lớn; nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành.

Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chênh lệch khoảng cách khá lớn giữa các vùng, miền; còn nhiều vùng kết quả đạt được thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển cơ sở hạ tầng.

Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

1. Định hướng thời gian tới:

Năm 2020 và thời gian tới cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020

Mục tiêu cụ thể của ngành nông nghiệp năm 2020 là: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; 59% số xã, 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2.000 hợp tác xã thành lập mới.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; quán triệt và thực hiện phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”. Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tìm lợi thế để phát triển; giữ chất lượng và chữ tín trong sản xuất nông nghiệp; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong nông nghiệp, nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đặc biệt cần quan tâm đến tổ chức sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chú trọng cải thiện môi trường ở nông thôn, khống chế tiến tới đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học. Các ngành có liên quan và địa phương tập trung chăm lo Tết cho người dân nông thôn, nhất là người dân ở các vùng bị thiên tai, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không để hộ gia đình nào không có tết.

3. Một số giải pháp trọng tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động rà soát, xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, kịch bản tăng trưởng của địa phương mình cao hơn tốc độ tăng trưởng được giao trong năm 2020 để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cả nước.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận đất đai, tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, rào cản nhằm đưa các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vào cuộc sống.

[...]