Thông báo 406/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 406/TB-VPCP
Ngày ban hành 10/10/2014
Ngày có hiệu lực 10/10/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 406/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI 9 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2014

Ngày 02 tháng 10 năm 2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 của Bộ Công Thương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công Thương; Văn phòng Chính phủ; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các Hiệp hội trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được khá đồng đều và toàn diện của ngành Công Thương trong 9 tháng đầu năm 2014, trong đó nổi bật là:

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển khá, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2014 tăng khoảng 6,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; mục tiêu đưa ra cho cả năm 2014 dự kiến từ 7% đến 7,2% là khả thi và có thể đạt cao hơn. Cơ cấu công nghiệp cũng đã có những chuyển dịch tích cực; nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân được bảo đảm. Sản lượng khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và sản lượng khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến tăng so với kế hoạch năm 2014 sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói riêng và tăng trưởng GDP cả nước nói chung.

- Xuất khẩu tăng trưởng khá, 9 tháng đầu năm đạt 14,2% và cả năm dự kiến tăng khoảng 12%, cao hơn mục tiêu đề ra 10%. Cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, dự kiến xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây, xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của nước ta đã được cải thiện, dự trữ ngoại tệ tăng.

- Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai, cùng với việc thực hiện mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Cơ chế chính sách điều hành thị trường trong nước cũng như đối với các ngành hàng tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, được điều tiết theo tín hiệu thị trường có sự quản lý, định hướng của nhà nước.

2. Công tác quản lý nhà nước đã được Bộ Công Thương quan tâm đúng mức và đạt hiệu quả cao:

- Đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành đạt tỷ lệ cao chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 của Bộ. Ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch cho nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có cơ chế giá thị trường đối với các sản phẩm: điện, than, xăng dầu, kết quả bước đầu đạt được là rất đáng khích lệ.

- Tiến hành sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng chỉ đạo và tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế và lợi ích của nhân dân.

- Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập đạt hiệu quả; tích cực đàm phán để đi đến ký kết các Hiệp định thương mại tự do (TPP, FTA với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc và với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan).

3. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2014 như báo cáo đã nêu, ngành Công Thương vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục tập trung khắc phục:

- Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, mức độ gia công còn khá cao, chưa đầu tư nhiều để phát triển theo chiều sâu; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp còn chậm, chưa vững chắc; năng lực sản xuất mới tăng chậm ở một số ngành như giấy, hóa chất cơ bản, cơ khí, sản xuất sợi, công nghiệp hỗ trợ; trình độ lao động công nghiệp và năng suất lao động vẫn ở mức thấp, như năng suất lao động trong ngành điện thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực; tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp và chậm; phân bố không gian, phát triển công nghiệp ngay trong nội bộ các vùng kinh tế vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng đầu tư chồng chéo vẫn còn diễn ra.

- Quản lý nhà nước về thương mại tuy đã được đổi mới nhưng trên một số mặt còn chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động thương mại, dịch vụ. Thị trường trong nước phát triển chưa bền vững, sức mua còn yếu. Quản lý nhà nước về thương mại, thị trường vẫn còn những kẽ hở khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn tồn tại.

- Xuất khẩu tuy tăng trưởng ở mức cao, xuất siêu đạt sớm hơn so với mục tiêu Chiến lược đề ra (năm 2020), nhưng chưa thật sự vững chắc, bền vững. Tỷ trọng lớn trong nhập khẩu về nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất, thể hiện tính gia công trong sản xuất còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

- Tiếp cận điện năng vẫn còn khó khăn, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và doanh nghiệp còn chưa đầy đủ nên chưa tận dụng được hết các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại, nhất là các cơ hội của hội nhập khu vực.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để góp phần vào sự nghiệp chung, ngành Công Thương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình trong 3 tháng cuối năm là tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được giao để phát huy mọi nguồn lực, bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ của Ngành nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2014.

Về cơ bản, nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ Công Thương đã đề ra trong báo cáo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần tiếp tục sâu sát hơn nữa, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại:

- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý chung của cả nước. Xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch, không bao cấp để đảm bảo phân bổ nguồn lực tốt hơn, tạo tiền đề để ngành Công Thương phát triển bền vững.

- Ban hành hoặc đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Đối với các cơ chế, chính sách không phù hợp, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi; trường hợp vượt thẩm quyền, cần soạn thảo đề xuất báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật cần thiết, liên quan cho phù hợp.

- Nhanh chóng hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

- Các Sở Công Thương phải tiếp tục quan tâm sâu sát hơn đến hoạt động của ngành, lĩnh vực quản lý tại địa phương để tham mưu cho Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành, các cơ chế, chính sách tại địa phương theo hướng thông thoáng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và thương mại tại địa phương.

2. Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ: điện, than và xăng dầu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cân đối lương thực, bảo đảm an ninh lương thực.

3. Về công tác tái cơ cấu ngành Công Thương:

[...]