Thông báo 396/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020; Năm an toàn giao thông 2020 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 396/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/12/2020
Ngày có hiệu lực 15/12/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 396/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2016-2020; NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG 2020 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 09 tháng 12 năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2016-2020; Năm an toàn giao thông 2020 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và các đồng chí thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hội An toàn giao thông Việt Nam. Sau khi nghe Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020; Năm ATGT 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, cũng như trong Năm ATGT 2021; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả nổi bật

Giai đoạn 2016-2020, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục tăng trưởng, thu nhập và đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, năng lực kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn còn chậm so với mức gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông (năm 2020 số lượng ô tô tăng 64,45%, mô tô tăng 32,25% so với năm 2015), tạo áp lực đối với công tác bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình TTATGT trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%; đặc biệt, năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua (số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 13% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người). Kết quả này khẳng định các giải pháp bảo đảm TTATGT triển khai và tổ chức thực hiện trong giai đoạn vừa qua là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT trong 5 năm qua; nhất là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và 16 tỉnh, thành phố có TNGT giảm sâu trong 5 năm là: Long An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội; đặc biệt, có 05 địa phương giảm trên 30% cả 03 tiêu chí là: Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Bình Định, Đà Nẵng.

2. Một số hạn chế, tồn tại

Mặc dù tình hình TTATGT trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT liên tục giảm qua các năm nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ số người chết và bị thương do TNGT còn ở mức cao; còn 07 địa phương có số người chết do TNGT tăng trong 5 năm qua, là: Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang (trong đó Bến Tre tăng 13,6%, Hải Dương tăng 7,1%, Tiền Giang tăng 6,7%); còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là vụ TNGT xe khách tại Quảng Bình ngày 26/7/2020 làm 15 người chết, 28 người bị thương, đây là vụ TNGT có số thương vong lớn nhất kể từ năm 2005; số người chết do TNGT đường thủy tăng cao (tăng 79,17%).

- Tình trạng xe ô tô chở hàng quá quá tải trọng vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông; tái diễn hiện tượng xe quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

- Tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và các đô thị lớn, không chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn xảy ra tại một số tuyến đường địa phương khác do ảnh hưởng của triều cường, mưa lớn, gây úng ngập cục bộ hoặc do có công trình đang thi công.

Nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế:

- Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.

- Một số quy định pháp luật có liên quan đến TTATGT không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, cũng như gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được duy trì thường xuyên; nội dung tuyên truyền còn chung chung, hình thức tuyên truyền chưa gắn với đặc điểm nhóm dân cư, địa bàn; chưa đưa giáo dục ATGT trong trường học vào chương trình chính khoá; việc giảng dạy pháp luật đối với người học điều khiển phương tiện chủ yếu mới dừng lại ở việc giới thiệu văn bản, chưa đi sâu phân tích ê nghĩa nội hàm của quy định.

- Năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu vận tải và phương tiện; tiến độ đầu tư, xây dựng nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm; mạng lưới giao thông liên kết vùng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế; tổ chức giao thông trên một số tuyến quốc lộ và trong một số đô thị còn bất cập; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, điều khiển giao thông và điều hành vận tải còn chậm.

- Năng lực, hiệu lực thực thi pháp luật, nhất là trong công tác xử lý vi phạm về TTATGT chưa đáp ứng được yêu cầu; số hành vi vi phạm quy định về TTATGT chưa được phát hiện và xử lý còn nhiều; dư luận về một bộ phận lực lượng thực thi công vụ còn hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực, dung túng đối với các hành vi vi phạm; ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm còn chậm, thiếu đồng bộ.

- Công tác thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT còn hạn chế về độ tin cậy và chưa kịp thời; việc kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin giữa bộ, ngành, địa phương tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG 2021

Năm 2021 và những năm tiếp theo, với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu vận tải hàng hoá, đi lại trong và ngoài nước dự kiến sẽ tăng cao, số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh, cùng với sự diễn ra các sự kiện chính trị - xã hội lớn như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Trên tinh thần phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục [ác định mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm TNGT cả 3 tiêu chí từ 5 - 10%. Để thực hiện được mục tiêu này, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, ngay từ đầu năm 2021 cần tập trung thực hiện nghiêm Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể như sau:

1. Giai đoạn 2021-2025

- Hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về ATGT; lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành giao thông vận tải; hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lê nhà nước và thực thi pháp luật về TTATGT.

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện.

- Nâng cao chất lượng và an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông, xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng các tiêu chuẩn cao về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, đào tạo kỹ năng tham gia giao thông, khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, xây dựng văn hoá giao thông an toàn.

- Tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông ngày càng hiệu quả, hiện đại.

2. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

[...]