Thông báo 385/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ sáu Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 385/TB-VPCP
Ngày ban hành 02/10/2018
Ngày có hiệu lực 02/10/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Doanh nghiệp

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 385/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN HỌP THỨ SÁU BAN CHỈ ĐẠO XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN VÀ DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG.

Ngày 21 tháng 9 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện Đề án, kế hoạch đã đề ra thời gian qua và nhiệm vụ trong thời gian tới. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo; ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Sau gần 02 năm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án), Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án trên, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan đã đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, cụ thể:

a) Quan tâm chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

b) Quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ: Kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Không cấp thêm vốn Nhà nước cho các dự án, doanh nghiệp; đảm bảo lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

c) Đến ngày 31 tháng 8 năm 2018, các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã hoàn thành 41/66 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.

d) Tình hình chuyển biến tích cực ở các dự án, doanh nghiệp: Trong số 06 nhà máy trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 02 nhà máy bước đầu có lãi, 04 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ so với cùng kỳ. Đối với 03 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh thì đến nay có 01 dự án bắt đầu vận hành trở lại, 02 dự án đã chuẩn bị xong phương án để khởi động lại trong thời gian tới.

đ) Một số vướng mắc pháp lý liên quan đến Hợp đồng, Điều lệ liên doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (Công ty VTM) đã được xử lý; dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã nối lại đàm phán các tranh chấp về hợp đồng EPC với nhà thầu.

2. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính ở các dự án, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra; tái cơ cấu tài chính, thu xếp, huy động vốn sản xuất kinh doanh ở một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, khó khăn... cần được các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề ra giải pháp, lộ trình xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của các dự án, báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 12 năm 2018.

4. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và cơ quan, đơn vị liên quan;

a) Rà soát, xử lý theo thẩm quyền vấn đề giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản của một số dự án, doanh nghiệp;

b) Xử lý việc quyết toán bàn giao tàu 104.000 DWT của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất;

c) Xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

d) Xem xét, xử lý thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với thạch cao nhân tạo... và các vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan:

a) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro. Điều chỉnh lại cơ chế vay, trả nợ cho phù hợp để hỗ trợ dự án, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh;

b) Hỗ trợ giải chấp bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên và xử lý các vấn đề khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý các vấn đề về môi trường của các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Khẩn trương chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường xảy ra tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai để sớm đưa Nhà máy sản xuất trở lại bình thường.

7. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan:

a) Tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện Báo cáo của Ban Chỉ đạo để báo cáo, gửi Thường trực Ban Bí thư (qua Văn phòng Trung ương) và Quốc hội;

b) Báo cáo đánh giá các tác động của thị trường đến các sản phẩm hàng hóa của các dự án, doanh nghiệp trên và có giải pháp xử lý kịp thời theo chức năng, thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo;

c) Đề xuất tiêu chí, quy trình, thủ tục xem xét việc đưa ra khỏi Danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đối với dự án, doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.

8. Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công An tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý vi phạm; đồng thời tạo điều kiện để dự án, doanh nghiệp thực hiện Đề án đã được duyệt.

9. Các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp, đơn vị liên quan:

a) Trong quý IV năm 2018: Chủ động tiếp tục đẩy mạnh xử lý các tồn tại, vướng mắc và nhiệm Vụ đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo, đặc biệt là việc xử lý các vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án.

b) Tăng cường các biện pháp quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xử lý các tồn tại, yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp do mình quản lý; duy trì, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu Đề án.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ