Thông báo 132/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ bảy Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 132/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/04/2019
Ngày có hiệu lực 08/04/2019
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN HỌP THỨ BẢY BAN CHỈ ĐẠO XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN VÀ DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG.

Ngày 27 tháng 3 năm 2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án), tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao từ Phiên họp thứ 6 đến nay và đề xuất việc chuyển giao các dự án, doanh nghiệp thuộc Đề án từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và 04 Tập đoàn, Tổng công ty (bao gồm cả đơn vị thành viên liên quan) đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017, hoàn thành gần 70% khối lượng nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động triển khai Đề án sau hơn 2 năm thực hiện.

2. Các dự án, doanh nghiệp thuộc Đề án đều có chuyển biến. Trong số 06 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 02 dự án bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt Trung), trong đó Dự án DAP số 1 - Hải Phòng đang làm thủ tục đưa ra khỏi Đề án; 04 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất). Đối với 03 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh thì đến nay có 02 dự án vận hành trở lại (Nhà máy sản xuất nhiêu liên sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ) trong đó Nhà máy Quảng Ngãi sẽ vận hành toàn bộ các dây chuyền vào cuối năm 2019, 01 dự án đã hoàn thành các công tác chuẩn bị để sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước). Một kết quả nổi bật từ Phiên họp lần thứ 6 đến nay là việc xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC của Dự án nhà máy sơ sợi Đình Vũ bằng phương thức hòa giải nhờ nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

3. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính ở các dự án, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; việc giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC và quyết toán dự án còn nhiều thách thức; tái cơ cấu tài chính, huy động vốn sản xuất kinh doanh ở một số dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc, rất cần có sự đồng hành, chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cho vay...

4. Để hoàn thành quyết toán các dự án và triển khai được các nhiệm vụ khác theo Đề án, cần ưu tiên giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2019. Giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thành Báo cáo tổng hợp các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty về giải quyết vướng mắc pháp lý các hợp đồng EPC, đề xuất lộ trình và giải pháp xử lý từng trường hợp cụ thể, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo trước ngày 15 tháng 4 năm 2019.

5. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và PVN khẩn trương xử lý theo quy định và thẩm quyền vấn đề giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản của một số dự án, doanh nghiệp thuộc PVN trên cơ sở phương án tổng hợp (bao gồm cả các biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, lãi suất...thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật), đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ phương án báo cáo của PVN.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, PVN và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy khẩn trương thống nhất định giá tàu 104.000 DWT của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất trong tháng 4 năm 2019, gửi Kiểm toán Nhà nước để sớm hoàn thành việc kiểm toán kết quả định giá theo quy định.

c) Khẩn trương giải quyết và trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung trước ngày 15 tháng 4 năm 2019 về xác định trị giá thuế xuất khẩu, trong đó có ý kiến của doanh nghiệp về tình trạng thuế chồng thuế; đồng gửi Trưởng Ban chỉ đạo để báo cáo.

6. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an khẩn trương triển khai các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo Đề án và kế hoạch năm 2019 (bao gồm cả điểm b, khoản 5 nêu trên), bảo đảm đúng tiến độ, tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ khác của các bộ, ngành và minh bạch trong quá trình tái cơ cấu dự án, doanh nghiệp theo Đề án. Các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an trong công tác cung cấp tài liệu, cử cán bộ thực hiện giám định để phục vụ công tác xử lý sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan tại các dự án theo quy định của pháp luật.

7. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án và của Ban Chỉ đạo, báo cáo, đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

8. PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco):

a) Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lại các vướng mắc trong hợp đồng EPC, thuê tư vấn luật hỗ trợ (nếu cần), tập trung cao, quyết tâm, kiên nhẫn, bình tĩnh để chủ động tìm giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm các tranh chấp, bảo đảm lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam. Trường hợp cần thiết, cần tính đến cả khả năng phải giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo sau khi đã tham vấn ý kiến Bộ Tư pháp và tư vấn pháp luật của doanh nghiệp.

b) Tiếp tục triển khai các biện pháp quản trị để tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường, không trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước, phấn đấu duy trì, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

c) Cập nhật đánh giá tình hình thực tế từng dự án, doanh nghiệp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp, chủ động rà soát các phương án xử lý đã được phê duyệt tại Đề án để lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm khả thi, đúng quy định pháp luật và lợi ích cao nhất của Nhà nước. Cụ thể:

d) PVN lựa chọn và quyết định xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trường hợp vượt thẩm quyền đối với các dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ; phối hợp tích cực với phía đối tác để thống nhất thời điểm khởi động lại nhà máy và thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi dự án Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.

đ) Vinapaco đề xuất phương án xử lý dứt điểm Nhà máy bột giấy Phương Nam, báo cáo Bộ Công Thương;

e) Vinachem lựa chọn phương án xử lý dứt điểm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình để không ảnh hưởng, tác động xấu đến tình hình tài chính cả Tập đoàn, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

g) VNSteel chỉ đạo hoàn thiện phương án thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) theo hai trường hợp: trường hợp giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và giải chấp được bảo lãnh của VNSteel cho TISCO tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và trường hợp không giải quyết được hai vướng mắc này; báo cáo Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thép Việt Nam về SCIC.

9. Giao Bộ Công Thương:

a) Tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện Báo cáo công tác đến hết Quý 1 năm 2019 của Ban Chỉ đạo trước ngày 15 tháng 4 năm 2019 để gửi các thành viên Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua để gửi Thường trực Ban Bí thư (qua Văn phòng Trung ương) và Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm 2019;

b) Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12 tháng 4 năm 2019 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, bổ sung Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Ban Chỉ đạo, giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thay Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban chỉ đạo, bổ sung lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo công tác truyền thông; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan đầu mối, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

c) Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, thực hiện bàn giao ngay các dự án, doanh nghiệp thuộc Đề án sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định.

d) Khẩn trương thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương tại Tổng công ty Thép Việt Nam về SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2019.

đ) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thiện đề xuất về việc đưa Dự án nhà máy DAP số 1 Hải Phòng ra khỏi Đề án trên cơ sở các tiêu chí theo đề xuất của Bộ Công Thương và được Ban Chỉ đạo thống nhất tại Phiên họp thứ 7, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo trong tháng 4 năm 2019.

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thẩm định Phương án xử lý Nhà máy bột giấy Phương Nam theo đề xuất của Tổng công ty Giấy, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2019.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ