Thông báo 343/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng các trường đại học xuất sắc tại cuộc họp về cơ chế tài chính đối với Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 343/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 10/09/2013 |
Ngày có hiệu lực | 10/09/2013 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Khắc Định |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Giáo dục |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 343/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2013 |
Ngày 17 tháng 8 năm 2013, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các trường đại học xuất sắc đã chủ trì cuộc họp về cơ chế tài chính đối với Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Ban Quản lý Dự án xây dựng các trường đại học xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo Trường Đại học Việt - Đức, Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội báo cáo; ý kiến phát biểu của đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành và Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều cố gắng tích cực triển khai thực hiện đúng và có hiệu quả bước đầu của cơ chế tài chính đặc thù đối với Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian tới cần tập trung làm tốt một số công việc sau đây:
- Việc trả lương cho cán bộ, giảng viên của hai Trường phải được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm sự hấp dẫn, nhằm thu hút được những người giỏi, có năng lực, trình độ cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế đến giảng dạy, làm việc, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng trường trở thành trường đại học xuất sắc định hướng nghiên cứu. Trong việc tuyển chọn, thu hút đội ngũ giảng viên phải luôn đề cao chất lượng, đồng thời phải phát huy được lợi thế cạnh tranh của các Trường.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với hai Trường tiếp tục nghiên cứu để đánh giá và báo cáo về: Những lợi thế về chi phí của hai Trường trong đào tạo sinh viên có trình độ quốc tế; tham khảo chế độ và giải pháp chi trả lương của các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài nhằm thu hút cán bộ khoa học, quản lý chất lượng cao đến giảng dạy, làm việc để cân nhắc vận dụng phù hợp tại Việt Nam, tính toán, dự báo chế độ chi trả lương cho cán bộ, giảng viên của hai trường đại học này, nhất là đến giai đoạn khi phần lớn các nhiệm vụ quản lý, giảng dạy của hai Trường này do người Việt Nam đảm nhận. Trong giai đoạn trước mắt cần rà soát lại các công việc hiện đang do người nước ngoài đảm nhiệm, nhưng có thể tuyển chọn được cán bộ trong nước thay thế để xây dựng, kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Để vận dụng thống nhất các quy định về mức thu nhập tối đa của giảng viên người Việt Nam tại hai Trường, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất các quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2013.
- Về việc hỗ trợ thu nhập cho các nghiên cứu sinh của hai Trường: Việc hỗ trợ, tăng thu nhập cho nghiên cứu sinh ở hai Trường là cần thiết, có tác dụng thiết thực. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, phải căn cứ vào các nhiệm vụ được nhà trường giao, gắn với việc các nghiên cứu sinh tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ đào tạo.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, phối hợp với Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu, thống nhất về cơ chế hỗ trợ thu nhập cho các nghiên cứu sinh của hai Trường, có đề xuất cụ thể về giải pháp hỗ trợ và nguồn kinh phí chi trả hợp lý cho các nghiên cứu sinh của hai Trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 10 năm 2013.
2. Về chế độ học phí và định mức chi phí đào tạo của hai Trường:
- Mức thu học phí ở hai Trường phải được thiết lập theo lộ trình tăng hợp lý từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu xây dựng hai Trường trở thành một cơ sở đào tạo chất lượng cao, tương ứng với các điều kiện bảo đảm cho công tác học tập, nghiên cứu. Đây là hai Trường có tính đặc thù, được Nhà nước ưu tiên đầu tư và có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cả về vật chất và đội ngũ giảng viên của các nước đối tác nước ngoài. Hai Trường cần cân nhắc, tính toán kỹ và trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết lập cụ thể lộ trình tăng học phí, có thể được chia làm hai giai đoạn: Từ nay đến năm 2017 và giai đoạn tiếp theo từ năm 2017 trở đi, trong đó mức thu học phí từ năm 2018 có thể xác định tương đương không dưới 5.000 USD/1 người/1 năm học.
Để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về mức thu và lộ trình tăng học phí hợp lý, tương xứng với uy tín, vị thế và điều kiện, chất lượng bảo đảm của mình, hai Trường cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác tiếp thị, thu hút người học ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về Trường; tích cực triển khai, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội; cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thu hút và tiếp nhận, triển khai đào tạo theo chỉ tiêu nhà nước và các cơ quan đặt hàng, nhất là với các ngành thuộc các lĩnh vực đặc thù và Trường có thế mạnh.
- Về định mức chi phí đào tạo của các Trường: Việc định mức chi phí đào tạo của hai Trường phải căn cứ vào quy mô đào tạo và các nguồn thu, trong đó có nguồn thu học phí. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xác định rõ về định mức chi phí đào tạo của các Trường gắn với hai giai đoạn: Từ nay đến năm 2017 và giai đoạn sau năm 2017 để làm cơ sở cho việc tính toán các định mức liên quan của các Trường, phù hợp với quy định về cơ chế tài chính đặc thù của các Trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Về vấn đề xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của các Trường:
- Đối với Trường Đại học Việt - Đức: Việc thuê cơ sở của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông làm giảng đường phục vụ cho hoạt động đào tạo của Trường là cần thiết, tuy nhiên, việc đầu tư lớn để cải tạo khu vực đang thuê cần phải được Trường cân nhắc thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của Trường. Để giảm các chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, Trường có thể triển khai những giải pháp hỗ trợ theo hướng phát huy thế mạnh của mình thông qua việc hợp tác, liên kết trong các hoạt động giảng dạy giữa Trường và Trường Đại học Quốc tế Miền Đông có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
- Đối với việc giải quyết vướng mắc của Dự án đầu tư xây dựng Khu đào tạo và dịch vụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ sở sử dụng làm địa điểm tổ chức đào tạo giai đoạn đầu của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan để xem xét, thống nhất về phương án giải quyết những vướng mắc theo hướng sớm hoàn thành Dự án, kịp thời phục vụ cho năm học mới của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cần chủ động chuẩn bị và đưa ra thảo luận, quyết nghị tại Hội đồng Trường các chủ trương và biện pháp để nền văn hóa của các nước đối tác chiến lược của Trường được hiện diện sâu sắc hơn tại Trường, qua đó góp phần tăng khả năng của Trường trong cạnh tranh quốc tế.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |