Quyết định 829/QĐ-TTg năm 2023 về quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Đức do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 829/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 829/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT ĐỨC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức và Chính quyền Bang Hessen về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức ngày 23 tháng 9 năm 2020 (Hiệp định ba bên);

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Việt Đức;

Căn cứ Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Đức;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Đức (sau đây gọi tắt là Trường), là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các nội dung khác liên quan không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và Hiệp định ba bên.

Điều 2. Nguồn tài chính

1. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp:

a) Kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên:

Ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo hỗ trợ cho Trường nguồn tài chính hằng năm bằng 55% dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên (không tính phần hỗ trợ của phía Cộng hòa Liên bang Đức) đến hết thời gian có hiệu lực của Hiệp định ba bên về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức.

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng.

d) Vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Các nguồn thu sự nghiệp, bao gồm:

a) Học phí và lệ phí tuyển sinh, các dịch vụ giáo dục khác

Trường Đại học Việt Đức được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh, các dịch vụ giáo dục khác). Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế-kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng trường và Ban Chỉ đạo (quy định tại khoản 3 Điều 8 Hiệp định ba bên) xem xét, phê duyệt trước khi ký ban hành, gửi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phí xác định ở mức phù hợp với khả năng chi trả của người học với mức tăng không được cao hơn tỷ lệ lạm phát năm trước. Trường có trách nhiệm công khai, giải trình mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh, dịch vụ giáo dục khác theo quy định.

b) Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.

c) Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo gồm: Thu từ dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác theo nguyên tắc Trường tự bù đắp chi phí, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.

d) Nguồn thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

[...]